Nguyệt Ca cho biết khi chuyển ngữ, các thành viên trong nhóm của cô đặt mục tiêu giữ thông điệp ca từ, khớp giai điệu. Với bài Chiếc đèn ông sao, họ cân nhắc một số câu từ. Chẳng hạn, câu "Cán đây rất dài cán cao quá đầu", dịch thành "I raise you high up to the sky" (Tớ giương cậu lên cao tận trời). "Chúng tôi dịch theo cách hiểu của mình là: Theo nhịp trống, chiếc đèn được giương cao, đung đưa như muốn nhún nhảy, bay lên trời sao lấp lánh", cô giáo cho biết. Âm thanh "tùng dinh dinh" trong đoạn điệp khúc được chuyển thành "dong ding ding".
Chị Hồng Tuyến - con gái Phạm Tuyên - cho biết nhạc sĩ mong chờ khi biết tin nhạc phẩm được chuyển sang tiếng Anh. Ông nhận xét phiên bản mới lạ tai nhưng vẫn êm ái.
Chiếc đèn ông sao ra đời năm 1956, khi nhạc sĩ Phạm Tuyên dạy học tại Nam Ninh, Trung Quốc. Dịp Trung thu, nhìn các sinh viên ở học xá rước đèn, nhạc sĩ nhớ quê hương da diết, ông sáng tác ca khúc để nguôi ngoai. Ngay sau khi ra đời, bài hát nhanh chóng phổ biến ở nhiều vùng miền qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, với phần thể hiện của nữ biên tập viên Tuấn Kỳ. Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm đắc ca khúc vì có nhiều kỷ niệm. Năm 1967, ông từng nhờ nhạc sĩ Dân Huyền mang máy ghi âm sang nhà để thu cho hai con gái. Trong căn nhà tập thể ở Đại La (Hà Nội), trên nền nhạc piano, chị Tuyền và Tuyến lanh lảnh hát Chiếc đèn ông sao.
Những năm gần đây, nhạc sĩ Phạm Tuyên không còn viết nhạc. Ông và con gái đang thực hiện dự án phối khí, làm mới các ca khúc thiếu nhi do ông sáng tác. Ở tuổi 91, nhạc sĩ đau đáu vì mảng ca khúc thiếu nhi ngày nay ít được quan tâm.
Nguyệt Ca (tên thật: Thuỳ Linh) thực hiện dự án chuyển ngữ các ca khúc thiếu nhi từ năm 2018, với mong muốn tiếp cận trẻ em bằng phương pháp mới mẻ. Đến nay, cô đã ra mắt các ca khúc Cánh én tuổi thơ, Cho con (nhạc: Phạm Trọng Cầu, thơ: Tuấn Dũng), Chỉ có một trên đời, Trái Đất này là của chúng mình (Trương Quang Lục)...
Hà Thu