Ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND TP Pleiku, ký quyết định điều chuyển bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân từ trường Tiểu học Cù Chính Lan đến trường Tiểu học Lê Lai, hôm 31/8.
Động thái này của nhà chức trách diễn ra sau hai ngày phụ huynh tụ tập trước cổng trường, treo băng rôn, phản đối cô Trân giảng dạy tại trường.
"Quyết định điều chuyển dựa trên nguyện vọng của cô Trân, muốn thay đổi môi trường làm việc", ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố nói. Ông cho rằng cô giáo dạy Âm nhạc không còn được tín nhiệm tại trường Cù Chính Lan nên tự nguyện đi một đơn vị khác.
Tuy nhiên, cô Trân nói đây không phải nguyện vọng của mình. Cô cho biết đã họp với lãnh đạo phòng hôm qua với mong muốn làm rõ đúng, sai. Việc phụ huynh căng băng rôn là hành vi bôi nhọ và gây rối, theo cô Trân.
"Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý và bảo vệ tính mạng cho bản thân", cô nói.
Cô Bảo Trân là người dạy môn Âm nhạc duy nhất cho gần 800 học sinh của trường Tiểu học Cù Chính Lan. Cuối tháng 5, nhiều phụ huynh kéo đến trường Tiểu học Cù Chính Lan, gửi đơn kiến nghị, cho rằng cô Trân thiếu tích cực trong giảng dạy, truyền đạt kém khiến học sinh không cảm nhận được nội dung bài học. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá thiếu khách quan, gây ức chế cho học sinh.
Năm học vừa qua, 9 học sinh bị đánh giá chưa hoàn thành môn Âm nhạc. Các năm trước, con số này là 10-15 em. Các em phải học lại vào dịp hè, rồi tùy theo kết quả rèn luyện, trường sẽ quyết định có cho lên lớp hay không. Kết quả, 8 em được lên lớp, một em bị đúp.
Ngày 10/6, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku kết luận cô Trân có giáo án đầy đủ, không cắt xén chương trình. Tuy nhiên, nữ giáo viên không có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh hoàn thành môn học. Chất lượng môn Âm nhạc tại một số lớp không đạt chỉ tiêu cam kết.
Ngoài ra, trong hai năm, cô Trân sửa chữa kết quả học tập của 75 học sinh (nâng lên, hạ xuống và sửa nhận xét). Trong đó, một số em được nâng điểm hoặc hạ điểm nhiều lần. Riêng học kỳ II, năm học 2022-2023, cô chỉnh sửa 80 lượt kết quả của 58 học sinh, không báo cáo hiệu trưởng.
Khi bị phụ huynh phản ứng, nữ giáo viên đáp trả qua mạng xã hội với lời lẽ phản cảm, không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Do đó, cơ quan này kiến nghị nhà trường kiểm điểm cô Trân và khắc phục các vấn đề được nêu.
Cô Trân sau đó thừa nhận việc chỉnh sửa nhưng cho rằng do rà soát lại sổ theo dõi để đúng với kết quả thực tế, đánh giá theo hướng vì sự tiến bộ của học sinh và động viên, khích lệ các em trong môn học. Vì vậy, cô không đồng ý với kết luận trên.
Hiện việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 27 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông qua quan sát, đánh giá sản phẩm, vấn đáp, viết..., giáo viên sẽ đánh giá sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh, theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Với môn Âm nhạc, chương trình tập trung hình thành và phát triển năng lực cho học sinh ở ba khía cạnh: Thể hiện, Cảm thụ và Ứng dụng.
Cụ thể, ở lớp 1, học sinh bước đầu biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát; đọc nhạc đúng tên nốt, đọc đúng cao độ và trường độ, biết chơi nhạc cụ. Ngoài ra, các em bước đầu biết mô phỏng, tái hiện một số âm thanh quen thuộc; cảm nhận được vẻ đẹp của một tác phẩm âm nhạc cùng nhiều yêu cầu khác.
Ngọc Oanh