Từ năm 2018, đề thi Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM theo xu hướng nâng cao tính ứng dụng vào thực tiễn - 5/8 câu hỏi có yếu tố thực tiễn, yêu cầu học sinh bên cạnh việc nắm kiến thức còn phải có năng lực đọc hiểu, phân tích, lập luận toán học...
Giúp học sinh vượt qua "nỗi sợ" toán thực tế
Với nhiều năm kinh nghiệm dạy và luyện thi môn Toán cho học sinh tại TP HCM, cô Nhân hay được học trò gọi với cái tên thân mật - cô giáo chuyên "trị" các bài toán thực tế. Cô luôn cố gắng tìm ra gốc rễ vấn đề mà học sinh gặp phải, giúp nhiều học sinh từ sợ toán thực tế trở nên hứng thú với dạng bài này hơn.
Cô Nhân chia sẻ: "Có nhiều học sinh ám ảnh với toán thực tế. Các em thấy đề bài quá dài, cho nhiều dữ kiện, không biết phải suy luận thế nào. Trong khi đó để làm tốt thì đầu tiên phải nắm được câu đó rơi vào dạng nào".
Cũng như toán số hay toán hình, toán thực tế được phân thành các dạng khá cụ thể như: Dạng toán tỷ lệ phần trăm, lãi suất ngân hàng, hàm số bậc nhất, giải bài toán bằng cách lập phương trình, lập hệ phương trình; áp dụng công thức tính thể tích các hình không gian, chu vi, diện tích đường tròn, độ dài dây cung...
Khi đã biết nó là dạng nào, học sinh cần ghi nhớ và áp dụng công thức cộng thêm khả năng phân tích vào giải quyết bài toán một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt cần tránh những lỗi sai cơ bản để tránh mất điểm đáng tiếc.

Cô Thạch Thị Nhân - Giáo viên Toán tại TP HCM.
Cô Nhân cho biết thêm, từ năm 2018, đề thi được đánh giá nhẹ hơn, không còn câu hỏi quá khó, hàn lâm toán học, thay vào đó là các câu hỏi có yếu tố thực tiễn nhưng học sinh lại không đạt điểm cao.
Gần 50% học sinh có điểm thi dưới trung bình (dưới điểm 5). Đó là điều khiến cô Nhân trăn trở và mong muốn tìm giải pháp giúp học sinh chinh phục các câu hỏi thực tiễn.
Qua quá trình dạy và chấm thi, cô Nhân chỉ ra 3 sai lầm học sinh thường gặp ở các bài toán thực tế: Một là quên đổi đơn vị dẫn đến sai đáp án; hai là quên làm tròn đáp án theo yêu cầu đề bài; ba là đọc và phân tích đề không kỹ dẫn đến hiểu sai yêu cầu đề bài.
"Muốn làm tốt bài toán thực tế, học sinh cần nắm chắc dạng bài, cẩn thận, kỹ càng trong từng bước và tránh sai sót trong quá trình làm bài", cô Nhân lưu ý.

2 trong số 5 câu toán thực tế - đề Toán thi vào 10 TP HCM năm 2019.
Tự đổi mới cách dạy để giúp học sinh không "sợ" toán thực tế
Chính giáo viên cũng gặp không ít khó khăn trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy để dạy tốt dạng toán này. Cô Nhân cho biết từng rất ngại dạy toán thực tế vì hầu hết học sinh cứ gặp dạng bài này là lại không muốn làm. Vì thế bản thân giáo viên phải tìm ra phương pháp giảng dạy làm sao để thay đổi suy nghĩ của học sinh.
"Không thể cứ dạy cho hết kiến thức trong sách giáo khoa mà cần phải gắn bài giảng với thực tế, tìm tòi nghiên cứu những bài toán thật gần gũi để tạo sự hứng thú cho các em sau đó mới lồng ghép các bài toán khó hơn", cô Nhân cho hay.
Khó khăn nhất khi ra đề toán thực tế là việc câu văn phải chính xác, nhiều khi sai một từ là sai luôn cả đề. Khi đã nghĩ được hướng ra đề, dạng câu hỏi rồi thì tiếp theo phải đưa dạng đề vào tình huống nào cho hợp lý. Chính vì nhiều thao tác như vậy mà quá trình nghiên cứu, ra đề toán thực tế mất nhiều thời gian và công sức.
Chia chủ đề, mỗi chủ đề lại chia thành các dạng bài cụ thể, mỗi dạng bài có các bước làm chi tiết là những kiến thức, kỹ năng học sinh cần trang bị. Giáo viên cũng cần thường xuyên giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy, lập luận và phân tích để các em làm quen với dạng toán này.

Cô Nhân từng rất ngại dạy toán thực tế vì hầu hết học sinh cứ gặp dạng bài này là lại không muốn làm.
"Nắm được kiến thức và biết cách "trị" các bài toán thực tế sẽ giúp học sinh hết sợ môn Toán, giành điểm cao trong bài thi vào lớp 10 đồng thời tìm thấy sự thú vị, sự gần gũi của môn Toán khi kiến thức gắn liền với thực tiễn", cô Nhân nhấn mạnh.
Thế Đan