Lầu Y Pay, 38 tuổi, là con thứ 4 trong một gia đình người Mông có 8 chị em ở xã biên giới Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn. Hơn 10 tuổi cô bé Pay đã phải theo bố mẹ lên rẫy hái măng, bo bo, gieo lúa, trồng gừng. Những lúc ở nhà, Pay phụ bố mẹ nấu cơm, chăm sóc các em nhỏ.
Thu nhập chính của gia đình dựa vào vài sào ruộng. Nguồn thu từ nông sản chỉ đủ cho 10 miệng ăn, không có tích lũy, nhưng bố mẹ vẫn cố để tất cả các con được đến trường.
Lên THCS, nhiều lần không có tiền đóng học phí, Pay định nghỉ ở nhà đi rẫy để các em có cơ hội học tập tốt hơn. Nhưng nghỉ được vài hôm, cô bé nhớ lớp, nhớ bạn, lại đòi đi học.
"Bỏ học về làm rẫy, hơn 18 tuổi thì lấy chồng, liệu có thay đổi được cuộc sống hay vẫn trong vòng luẩn quẩn nghèo khó?", Pay nhớ lại và cho rằng quyết định trở lại trường đã giúp cuộc đời mình sang một trang mới.
Năm lên lớp 10, Pay bắt đầu nghĩ về nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi. Thấy nhiều em nhỏ trong bản đến tuổi đi học nhưng gia đình nghèo khó, đường sá xa xôi cách trở, bố mẹ quan niệm "học cũng chẳng để làm gì" nên làm lỡ mất cơ hội đến trường của các bé, Pay đặt quyết tâm thi vào ngành sư phạm.
Năm 2009, Pay tốt nghiệp Khoa giáo dục mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, và được phân về trường Mầm non Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Sau hai năm làm việc tại đây, Pay kết hôn với một thầy giáo dạy tiểu học ở huyện Quế Phong và chuyển công tác về trường Mầm non Tri Lễ - xã khó khăn nhất huyện, và bắt đầu một hành trình gieo chữ đầy trắc trở nhưng cũng vô cùng đáng nhớ.
Là xã biên giới thuộc huyện Quế Phong, giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), Tri Lễ có 16 bản với hơn 10.000 dân thuộc bốn dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái và Kinh. Các bản Mông ở lưng chừng đồi, đường nhỏ, dốc và hẹp. Điểm trường Huồi Mới nơi cô Pay công tác nếu di chuyển từ nhà ở quốc lộ 16 đến nơi phải mất cả buổi. Những lúc trời mưa đường sạt lở, bùn lầy lội thì đa phần đi không đến đích.
Mùa mưa, nước lũ chia cắt giao thông, con đường rộng hơn 4 m bên núi bị thu hẹp bởi đất đá sạt xuống. Giữa đường tạo thành những mương bùn, xe máy cứ chạy là ngã, giáo viên người lấm lem, phải đi bộ băng rừng trong 3-4 tiếng tới trường. "Nhiều hôm thời tiết xuống một độ C, tay chân tê cóng", cô Pay kể.
Nhưng cô Pay bảo khó khăn về đường sá không quan trọng bằng việc giúp trẻ tiếp cận con chữ, vì thế luôn động viên bản thân và đồng nghiệp vượt qua mọi trở ngại. Bản Huồi Mới, xã Tri Lễ chủ yếu là người Mông, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con tới trường. Nhiều gia đình thì "tùy hứng", cho con đi học rồi bắt nghỉ giữa chừng.
Để hạn chế tình trạng này, buổi tối cô Pay cùng 3 giáo viên tại điểm trường Huồi Mới vượt rừng tới nhà gặp phụ huynh, vận động họ cho con cái tới trường. "Cuộc sống của bố mẹ hiện tại đang khổ, không thể để các con khổ theo được, phải đi học mới thay đổi được tương lai", cô Pay nhớ lại câu nói quen thuộc khi khuyên nhủ.
Nhiều người sau khi nghe cô giáo phân tích đồng ý cho con tới lớp, nhưng một số gia đình phản đối hoặc bảo "suy nghĩ thêm" và không phản hồi lại.
Chờ vài ngày không thấy phụ huynh đăng ký cho con đi học, cô Pay lại tiếp tục đến nhà vào buổi đêm hoặc sáng sớm tiếp tục khuyên nhủ. Một số bố mẹ thấy giáo viên đến liền dắt con đi trốn, sau vài tiếng trở về vẫn thấy cô Pay đang ở sân. Không biết nói gì thêm, họ gãi đầu, bảo "đã hiểu ra vấn đề", hứa cho con đi học.
13 năm qua, cô Pay đã vận động được các gia đình người Mông cho gần 300 trẻ ở xã Tri Lễ đi học mầm non đúng độ tuổi. Ngoài ra, nữ giáo viên thường xuyên lên mạng liên lạc với các tổ chức từ hiện, nhà hảo tâm, đặt vấn đề kêu gọi hỗ trợ quần áo ấm, giày dép để học sinh đủ sức khỏe đến trường vào mùa đông.
Cô Pay chia sẻ, trẻ em Mông nhút nhát, nghe nói tiếng phổ thông rất hạn chế. Cũng là người Mông, nữ giáo viên thường sử dụng song song hai thứ tiếng để hỗ trợ học sinh tiếp thu một cách tốt nhất. Cô Pay luôn nhẹ nhàng, uốn nắn từng nét chữ cho học trò, nhiều em từ chỗ sống khép mình, giao tiếp kém, sau khi học lớp cô Pay đã hòa đồng với bạn bè. Một số trẻ khi đến tuổi lên lớp một nhưng cứ nằng nặc đòi bố mẹ tiếp tục cho ở lại mầm non, vì "muốn học với cô Pay".
13 năm công tác tại Huồi Mới, cô Pay đã đủ điều kiện để chuyển về các trường gần nhà hơn. Tuy nhiên nữ giáo viên 38 tuổi lo lắng cho giáo viên đến thay thế, sợ họ đi lại đường xa vất vả, mất thời gian thích nghi với địa bàn, nên nhiều lần đề đạt nguyện vọng với cấp trên xin ở lại với lý do "chịu khổ quen rồi".
Ngoài nhiệm vụ "trồng người", cô Pay còn là đại biểu HĐND huyện Quế Phong nhiệm kỳ 2021-2026. Năm học 2021-2021, cô Pay nằm trong 200 nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
"Được bằng khen rất vinh dự, nhưng tôi nghĩ còn nhiều người xứng đáng hơn", cô Pay nói rồi nhìn ra ngoài hiên, nơi những căn phòng cấp bốn lụp xụp không có mái che, bảo "bây giờ nếu có ai giúp kinh phí làm mới hạng mục, để mùa đông gió không tạt vào lạnh thấu da, hè về hết cảnh nắng toát mồ hôi" thì tốt biết bao.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, nói dù dạy ở vùng thiếu thốn về kinh tế, cơ sở vật chất và nhận thức của người dân còn hạn chế, song cô Pay luôn nỗ lực vượt qua mọi nghịch cảnh để tận tụy với nghề. Những nỗ lực ấy đã giúp nhiều trẻ em ở Tri Lễ được tiếp cận con chữ.
Tiếp thêm động lực đến trường cho các em nhỏ ở Quế Phong, Nghệ An, quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.