Nhắc tới tiếp viên hàng không, đa phần mọi người hình dung về những cô gái có chiều cao nổi trội, nụ cười luôn trên môi trong bộ đồng phục, dành tuổi thanh xuân của mình đồng hành cùng mỗi chuyến bay. Ít ai biết trong số đó có những người đã hàng chục năm tuổi nghề. Như trường hợp của chị Vũ Thị Kim Cúc, nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đã có hơn 20 năm phục vụ trên các chuyến bay và một nửa số thời gian này kiêm nhiệm công tác giảng dạy thế hệ tiếp viên hàng không trẻ.

Chị Vũ Thị Kim Cúc (hàng đứng, thứ 4 từ phải qua) cùng các học viên do mình đào tạo.
"Gắn bó với nghề hơn 20 năm và công việc đào tạo gần 10 năm, tôihạnh phúc thấy hình ảnh của mình khi mới chập chững vào nghề cùng cảm xúc của các em khi trải qua những giai đoạn nâng bậc trong nghề nghiệp. Tôi luôn tìm lại chính mình qua hình ảnh của các em", nữ tiếp viên sinh năm 1973 kể về ấn tượng với công việc hiện tại.
Là cử nhân Anh văn trường Đại học Hà Nội và có bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh (trường Đại học Maastricht, Hà Lan), chị Cúc bắt đầu công việc tại hãng Hàng không quốc gia Việt Nam từ năm 1994 và kiêm nhiệm công tác giảng dạy tại Khoa Huấn Luyện Tiếp Viên (Trung tâm huấn luyện bay) từ năm 2006.
Sẵn có kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp tốt nên với chị, quá trình chuyển đổi giữa hai công việc cũng nhiều thuận lợi. "Còn khó khăn dường như rất ít vì tôi biết tạo cho mình cái nhìn tích cực trong mọi vấn đề, tuy nhiên do thực hiện cả việc bay, dạy và công tác quản lý nên đôi lúc quỹ thời gian hạn chế", chị chia sẻ.
Tuy nhiên, đó không phải là trở lại lớn nhất trong công việc hiện nay của "cô giáo bay". Theo chị, việc truyền lửa cho những học viên đi học làm tiếp viên hàng không theo sự mong muốn của phụ huynh (thay vì sở thích cá nhân) mới là điều khó khăn nhất. "Nghề phục vụ như tiếp viên hàng không nếu bạn không thực sự yêu thích thì khó có thể làm tốt được", chị Cúc nhấn mạnh.
Bên cạnh một số người đi học vì gia đình, quãng thời gian công tác của chị Cúc còn chứng kiến nhiều trường hợp khó quên về những học viên đặc biệt. Trong số này, chị nhớ nhất về câu chuyện của một học viên lớp tiếp viên cơ bản diễn ra trong buổi thi tốt nghiệp cuối khóa.
"Sau khi hoàn thành phần thi tốt nghiệp, tôi thấy em ấy khóc nức nở. Hỏi ra mới biết dù bố em ấy lâm bệnh nặng trước khi thi, nhưng em vẫn kìm chế, kiểm soát cảm xúc của mình để thể hiện phần thi cho tốt", chị kể. Nữ tiếp viên trẻ đã cố gắng hết mình để hoàn thành mong đợi của bố cũng như thực hiện đúng lời dạy của giảng viên là tiếp viên hàng không phải biết giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.
Để trở thành tiếp viên hàng không, học viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt, biết quan tâm tới người khác, có tính chịu đựng, thích nghi cao, linh hoạt và có lòng yêu nghề... chưa kể tới yếu tố ngoại hình và vốn ngoại ngữ. Tuy nhiên, để trở thành một giảng viên đào tạo nghề này còn yêu cầu cao hơn. "Ngoài việc truyền 'lửa' nghề, kiến thức cho các em, chính giảng viên còn là đồng nghiệp với học viên trên mỗi chuyến bay nên người dạy luôn phải là hình mẫu chuẩn mực trong nghề, giỏi nghề".

Theo chị Cúc, người giảng dạy luôn là nhân chứng sống trong nghề nên phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện mình.
Theo chị, giảng viên bay chính là nhân chứng sống trong nghề để các thế hệ tiếp viên kế cận noi theo. Từ đó, những câu chuyện, kỷ niệm nghề trở thành các bài học đắt giá nhất mà mỗi người làm công tác giảng dạy có được để truyền lại cho học viên.
"Xuất phát từ việc lấy người học làm trọng tâm nên việc tận tụy và hết lòng với nghề, với các em học viên sẽ chạm được trái tim họ. Tinh tế để cảm nhận những gì họ cần và sáng tạo để không nhàm chán trong công tác dạy sẽ là chìa khóa của sự thành công trong nghề", nữ giảng viên chia sẻ về triết lý nghề của mình.
Thu Ngân