UBND tỉnh Lâm Đồng vừa công nhận điểm du lịch "Ga đường sắt Đà Lạt". Đây không chỉ là nơi tham quan, là công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố Đà Lạt, mà còn là nơi ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành đường sắt Việt Nam, di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ga Đà Lạt nằm trên đường Quang Trung, phường 9, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 3 km. Đây là nhà ga xe lửa được coi là cổ nhất Việt Nam và Đông Dương và cũng là nhà ga cao nhất Việt Nam, 1.500 m trên cao nguyên Lâm Viên.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến 1938, nằm trong tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, kết nối với thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Tuyến đường dài 84 km, với 12 nhà ga, 5 hầm chui. Tuyến đường sắt đặc biệt bởi có 16 km đường răng cưa leo núi, với độ dốc trung bình 12%. Thời điểm xây dựng, chỉ có Thụy Sĩ và Việt Nam có đường sắt bánh xe răng cưa. Năm 1972, tuyến đường sắt bị chiến tranh phá hủy, đến năm 1975 được khôi phục nhưng chỉ hoạt động một thời gian ngắn do hiệu quả kinh tế kém. Hệ thống đường ray, dấu vết đường sắt răng cưa bị tháo bỏ gần như toàn bộ, các nhà ga bỏ hoang.
Mặt tiền ga có chiều dài 67 m, rộng 11,4 m và cao 11 m. Công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc nhà rông Tây Nguyên với kiến trúc Phương Tây, nổi bật là ba hình chóp mái mặt trước lấy ý tưởng từ hình ảnh ba đỉnh núi cao nhất Lang Biang và cách điệu từ hình tượng mái nhà rông Tây Nguyên.
Tham quan
Nhiều năm nay, ga Đà Lạt là một trong những điểm tham quan đông khách. Du khách mua vé trực tiếp tại ga với giá 10.000 một người (trẻ em dưới 1 m miễn phí). Thời gian mở cửa từ 7h đến 17h.
Thời gian đông khách thường từ 8 đến 10h, thời tiết mát mẻ, ánh nắng chiếu xiên thích hợp để chụp ảnh. Du khách có thể tận dụng thời gian chụp ảnh trước khi lên tàu đi tham quan Trại Mát.
Tại sân ga, du khách có thể thấy một đầu máy hơi nước cổ số hiệu 131-462 với đường ray xe lửa bánh răng cưa, các toa tàu gỗ và một đầu máy diesel với 4 toa chở khách từ ga Đà Lạt đi ga Trại Mát và ngược lại.
Bên trong nhà ga chính có một quán cà phê. Ngoài bàn ghế gỗ có sẵn, quán còn sắp đặt thêm bàn ghế nhựa. Đây là nơi du khách có thể ngồi thư giãn và đợi tàu.
Các chuyến tàu
Ga Đà Lạt không liên kết trực tiếp với hệ thống đường sắt quốc gia. Các chuyến tàu đi và đến ga Đà Lạt mỗi ngày đều chỉ để phục vụ khách du lịch trên chặng ngắn 7 km nối trung tâm Đà Lạt và Trại Mát. Thời gian mỗi chuyến đi là 30 phút.
Giá vé giao động từ 72.000 đồng đến 100.000 đồng cho một lượt. Hành khách mua vé khứ hồi được giảm 25%, mua vé tập thể từ 10 người trở lên được giảm 15-40%. Tàu phục vụ trà atiso và trang bị wifi miễn phí. Lịch chạy tàu cụ thể áp dụng từ tháng 4/2024:
Đà Lạt | Trại Mát | Trại Mát | Đà Lạt | ||
ĐL1 | 7h50 | 8h20 | ĐL2 | 8h50 | 9h20 |
ĐL3 | 9h55 | 10h25 | ĐL4 | 10h55 | 11h25 |
ĐL5 | 12h | 12h30 | ĐL6 | 13h | 13h30 |
ĐL7 | 14h05 | 14h35 | ĐL8 | 15h05 | 15h35 |
ĐL9 | 16h10 | 16h40 | ĐL10 | 17h10 | 17h40 |
ĐL11 | 18h15 | 18h45 | ĐL12 | 19h15 | 19h45 |
ĐL13 | 20h20 | 20h50 | ĐL14 | 21h20 | 21h50 |
Đôi tàu ĐL3 và ĐL4 chạy cố định hàng ngày, các chuyến khác chạy theo yêu cầu của khách hàng hoặc khi có phát sinh. Mỗi chuyến tàu vận chuyển tối thiểu 30 khách và tối đa 160 khách. Hai chuyến tối ĐL11/12 và ĐL13/14 mới được đưa vào hoạt động từ tháng 4 nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi buổi đêm của du khách.
Với chuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát, du khách có thể chọn một chiều. Tại Trại Mát, du khách tự do tham quan vùng lân cận, trở về bằng tàu theo lịch trên hoặc các phương tiện khác. Tại các điểm này đều có thể dễ dàng bắt taxi.
Một số địa điểm chụp ảnh đẹp
Khuôn viên trước nhà ga
Khoảng sân rộng trước nhà ga là một trong những điểm check in được yêu thích nhất. Tại đây, bạn có thể chỉnh các góc để lấy được toàn cảnh nhà ga phía sau, đặc biệt là phần mái hình chóp thiết kế cách điệu.
Phòng chờ mua vé
Góc chụp này ít người biết, nhưng khi lên hình khá ấn tượng. Các ô kính tạo nên hiệu ứng ánh sáng đẹp. Du khách có thể chụp những bức ảnh với góc nhỏ tại phòng chờ.
Nơi trưng bày các toa tàu gỗ
Một trong những điểm thu hút của ga Đà Lạt là nơi trưng bày các toa tàu bằng gỗ. Dù các toa tàu đã không còn hoạt động nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. Ở đây, bạn nên chọn phong cách vintage để phù hợp xung quanh.
Nội thất toa tàu
Nếu mua vé tuyến Đà Lạt - Trại Mát, du khách sẽ được chụp ảnh với nội thất toa tàu. Còn trong trường hợp không đi tàu, các bậc thang hay hành lang sắt phía cuối toa trưng bày sẽ là góc "sống ảo" đẹp.
Tâm Anh