Bên dưới băng Nam Cực
Việc đào xuống dưới lớp băng ở châu Nam Cực không hề dễ dàng. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), lớp băng này dày trung bình 2.160 m, điểm dày nhất lên tới 4.776 m. Tổng cộng, châu Nam Cực chứa 27 triệu km3 nước đóng băng, nếu tan chảy sẽ khiến mực nước biển dâng cao khoảng 58 m.
Băng bao phủ khoảng 98% lục địa Nam Cực, che chắn phần lớn diện tích đất của lục địa này khỏi tầm nhìn. Tuy nhiên, nhờ những kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, con người có thể hiểu thêm về hình dạng của nơi này nếu không có băng.
Năm 2013, sử dụng một lượng lớn dữ liệu về độ cao bề mặt, độ dày băng và địa hình nền đá do NASA và Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) thu thập bằng vệ tinh, máy bay, khảo sát trên bề mặt, các chuyên gia tạo ra bản đồ Bedmap2. Bản đồ cho thấy, bên dưới lớp băng châu Nam Cực là một vùng đất gồ ghề với những dãy núi, hẻm núi và địa hình lởm chởm.
Năm 2019, nhóm nghiên cứu từ BAS từng khoan lỗ băng ở châu Nam Cực với độ sâu hơn 2.000 m, nhưng phần lớn những gì ở độ sâu lớn hơn vẫn còn là bí ẩn. Năm 2022, một nhóm nhà khoa học, trong đó có nghiên cứu sinh Austin Carter tại Viện Hải dương học Scripps, chia sẻ video về quá trình hạ camera xuống một lỗ khoan băng sâu 93 m ở Đồi Allan, Đông Nam Cực.
Bên dưới băng Bắc Cực
Băng Bắc Cực thua xa băng Nam Cực về độ sâu. Lớp băng này thường chỉ dày 3 - 4 m tại những khu vực rộng lớn, với các sống núi có thể dày tới 20 m. Dưới lớp băng là vùng nước thuộc Bắc Băng Dương, đại dương nông nhất trong 5 đại dương lớn của thế giới với độ sâu trung bình chỉ 1.038 m.
Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về những gì bên dưới băng Bắc Cực, cần xuống tới đáy Bắc Băng Dương. Năm 2013, nhóm nhà khoa học từ Đài quan sát Trái Đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia dành rất nhiều thời gian để khám phá và thu thập thông tin về thế giới bên dưới băng Bắc Cực ở Barrow, Alaska. Họ đưa camera xuyên qua lớp băng, xuống Bắc Băng Dương, và thu thập những thước phim về đáy biển.
Nghiên cứu cho thấy, dưới Bắc Băng Dương là đáy biển đầy bùn với một lượng tảo khổng lồ bao phủ. Nhóm chuyên gia thậm chí còn ghi hình các sinh vật thuộc bộ Chân đều (Isopoda) lang thang dưới đáy biển, dù họ không biết chính xác chúng là loài gì và sinh sống như thế nào.
"Một trong những bài học từ việc nghiên cứu các vùng cực là chúng ta cần mở rộng định nghĩa về nơi sinh vật có thể tồn tại và phát triển", Andy Juhl, nhà sinh thái học thủy sinh kiêm nhà hải dương học của dự án, cho biết.
"Tại Bắc Cực, sự sống phát triển bên trong băng, ở nhiệt độ dưới ngưỡng đóng băng. Điều này đồng nghĩa, chúng tôi có thể tìm kiếm khoa học sự sống ở những nơi khác thường hơn. Đó là một trong những điều thú vị mà chúng tôi học được khi làm công việc này. Băng không nhất thiết là môi trường không thể sinh sống và trên các hành tinh có băng khác, chúng ta cũng có thể tìm kiếm dấu hiệu của sự sống", ông nói thêm.
Thu Thảo (Theo IFL Science)