Sáng 16/7, Nguyễn Khánh Linh, học sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) trở về Việt Nam cùng tấm huy chương vàng sau kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, tổ chức tại Israel. Linh là thành viên nữ duy nhất trong đoàn Việt Nam và cũng đạt điểm cao nhất trong số nữ sinh tham gia kỳ thi.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống về Vật lý (ông ngoại là giáo viên Vật lý, anh trai là cựu học sinh chuyên Vật lý trường THPT Chuyên Lam Sơn), tuy nhiên lúc bé Linh không được khuyến khích theo môn này mà định hướng học chuyên Anh. Lớp 5, Linh giành huy chương vàng học sinh giỏi Anh quốc gia.
Cuối năm lớp 8, khi nhà trường tổ chức cuộc thi chọn học sinh giỏi môn Vật lý, nhận thấy mình có năng khiếu về môn học này nên Linh tham gia. Đến năm lớp 10, khi học những vấn đề chuyên sâu, em mới thực sự đam mê. "Em thích cách Vật lý giải thích những hiện tượng tự nhiên, luôn tò mò về môn học", em nói.
Giành huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á lần thứ 20, tham dự Olympic Vật lý quốc tế, cô gái xứ Thanh quyết tâm đổi màu huy chương. "Cả đoàn đã chuẩn bị rất kỹ cho kỳ thi. Em và các bạn được luyện đề của tất cả năm trước, được làm quen với đồ thí nghiệm và cách thực hành nên rất tự tin", Linh kể.
Trong đề thi Olympic Vật lý quốc tế, em thích nhất câu hỏi thứ 3 về phần nhiệt vì có thế mạnh về phần này. Câu hỏi khó nhất nằm ở phần 1 về cơ học cổ điển, có nhiều "bẫy" nên hầu hết bạn không giải được. Riêng Linh vẫn làm, song không chắc chắn đúng.
Kết quả chung cuộc, Linh cùng hai bạn khác giành huy chương vàng. Ngoài ra, Linh giành thêm giải đặc biệt cho nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic. "Em có phần may mắn vì vào ngày thi đã gặp một chút vấn đề về sức khỏe. Nếu được làm lại, em có thể làm tốt hơn nữa", Linh nói.
Nữ sinh lớp 12 chuyên Vật lý trường Lam Sơn cũng tham gia nhiều hoạt động phong trào. Từng là bí thư Đoàn trường, Linh đã tổ chức nhiều hoạt động, nhất là những chuyến đi từ thiện, là thành viên chủ chốt của câu lạc bộ tiếng Anh.
Chia sẻ về cách quản lý thời gian học, Linh cho rằng mình khá tùy hứng, không lên thời gian biểu cụ thể. "Có thể em sẽ học Vật lý cả ngày nếu tìm được chủ đề thích, nhưng cũng có ngày em chỉ đọc truyện, xem phim", cô gái xứ Thanh nói.
Thầy Lê Văn Hoành, giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn, đã đồng hành cùng Linh trong quãng thời gian dài ôn thi Olympic. "Linh là học sinh hiếm gặp, rất siêng năng. Với khả năng của mình, dù lựa chọn con đường nào em cũng sẽ thu được kết quả tốt", thầy Hoành đánh giá.
Chia sẻ về dự định tương lai, Linh cho biết muốn du học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) - đại học tốt nhất thế giới năm 2020 theo đánh giá của QS - để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu vật lý. Hiện tại, em đã hoàn thành các chứng chỉ TOEFL và SAT với số điểm lần lượt là 104/120 và 1600/1600.
Nếu không du học Mỹ, Linh sẽ học Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khoa Vật lý.
Olympic Vật lý quốc tế năm 2019 được tổ chức tại Israel từ ngày 7 đến 15/7 với sự tham gia của 360 học sinh đến từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam có 5 học sinh, giành được 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, xếp thứ tư sau Trung Quốc, Hàn Quốc (5 huy chương vàng) và Nga (4 vàng).
3 huy chương vàng thuộc về Trần Xuân Tùng (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam), Nguyễn Xuân Ưng (THPT Chuyên Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Khánh Linh (THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) giành huy chương vàng. Riêng Linh còn đoạt giải đặc biệt cho nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic.
Hai em Lê Việt Hoàng (THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam) và Trịnh Duy Hiếu (THPT Chuyên Bắc Giang) giành huy chương bạc.
Thanh Hằng