8 giờ sáng ngày đầu tháng 12, trong căn nhà cấp bốn ở ấp Lân Thạnh 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Thúy An, 37 tuổi, được mẹ đỡ dậy kê cao đầu cho dễ thở. Bà Nguyễn Thị Kim Tuôi, 67 tuổi, mẹ An lấy trong tủ ra hộp giấy đủ màu sắc, cắt ra một mẩu khoảng 4x4 cm đặt lên miệng con gái.
Đôi môi bặm chặt tờ giấy, Thúy An kéo dần vào trong miệng. Cái miệng đảo quanh lật giấy qua lại, chỉ khoảng 3 phút một con hạc đã thành hình. An chìa môi đưa cho mẹ. Con hạc giấy được gấp bằng miệng nhưng khô ráo, đường nét sắc sảo, nếp gấp được miết chặt y như được làm bằng tay.
Gấp giấy, xỏ chuỗi hạt cườm để làm mành cửa trở thành niềm vui và động lực sống lớn nhất của cô gái này suốt 20 năm qua.
Trần Thị Thúy An sinh ra bình thường như mọi đứa trẻ khác nhưng năm cô lên 7 tuổi, bệnh hở khớp xương bắt đầu phát tác, khiến An không thể tự đứng vững. Khi còn nhỏ, cô thường được mẹ bế lên xe lăn đẩy đi bán vé số. Con gái càng lớn, sức khỏe bà Tuôi cũng yếu dần, không bế nổi con. Hai mươi năm nay, cuộc sống của An gắn chặt với chiếc giường đặt giữa nhà, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân hỗ trợ.
"Toàn thân tôi chỉ còn mỗi cái đầu là còn sống", An nói. Thế nên, nhiều lần An nói muốn chết đi để mẹ không khổ vì mình.
Tưởng như sự bế tắc sẽ đeo bám Thúy An suốt cuộc đời, năm 2001 bà Tuôi bỗng phát hiện khả năng lạ của con. Một lần, bà đang ngồi khâu lại chiếc mùng thì hết chỉ, An nằm bên cạnh bảo mẹ để cô thử xỏ kim.
"Tay không nhấc nổi, cầm kim chỉ làm sao mà xỏ", bà nói với An. "Con xỏ bằng miệng mà", Thúy An trả lời mẹ. Bà Tuôi không tin, gạt đi vì sợ kim đâm làm con bị thương. "Con bé năn nỉ mãi. Tôi đặt kim lên miệng con mà tim đập thình thịch. Tôi không hiểu bằng cách nào con gái luồn sợi chỉ qua đầu kim chỉ trong vài phút", bà Tuôi hồi tưởng.
Nhưng đó chưa phải là điều bất ngờ duy nhất. Một thời gian sau, Thúy An khoe mẹ chiếc thuyền giấy cô tự gấp bằng vỏ hộp bánh. Thấy con gái thích thú khi làm được một thứ đẹp đẽ, bà Tuôi mua thêm giấy kiếng để An gấp.
Ngoài gấp hạc, thuyền, An còn gấp được những ngôi sao, hình bánh ú... Từ những sản phẩm đó An dùng miệng xỏ kim kết chúng lại thành một chuỗi dài, kết hợp với nhiều loại hạt cườm lớn nhỏ để làm mành treo cửa hay vòng đeo tay...
"Không chỉ xỏ từng hạt, có lần tui còn chứng kiến mẹ An bỏ cả chục hạt cườm cùng sợi chỉ vào miệng để An làm. Chuỗi cườm được làm ra với những hạt lớn, nhỏ so le nhau đều tăm tắp", bà Nguyễn Thị Lan, 57 tuổi ở phường Tân Lộc kể.
Mẹ của Thúy An cho biết, con gái chưa bao giờ chia sẻ với mình về cách làm thế nào để gấp được những sản phẩm khác nhau. Bà cũng khẳng định trong gia đình không ai hướng dẫn An làm vì ngay cả việc xếp bằng tay họ cũng không biết.
"Con ngậm giấy trong miệng nên tôi không biết làm sao nó xếp được. Tôi có bắt chước con làm thử nhưng tờ giấy trơn tuột, gấp đôi còn khó huống gì ra hình này dáng nọ", bà Tuôi nói.
Tuy thường ngậm kim và những hạt cườm nhỏ xíu trong miệng nhưng An chưa bao giờ để bị thương hay nuốt hạt. Cô cho biết dù dùng lưỡi ép chặt các nếp gấp nhưng cô không bị mỏi. Mỗi ngày, An có thể làm hàng chục sản phẩm khác nhau. Khó khăn duy nhất là nếu nằm quá lâu một tư thế, An sẽ tê người hoặc khó thở.
Hơn 20 năm nay, số lần được ra khỏi nhà của An chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng hàng trăm người lạ gần xa đã tìm đến nhà chỉ để chứng kiến "chiếc lưỡi thần kỳ" làm ra sản phẩm.
Thúy An thích tặng những thứ mình làm ra cho mọi người. Chiếc mành treo cửa cô làm trong hơn một năm với hàng trăm con hạc, ngôi sao... được cắt dần tặng làm quà cho những vị khách lạ. Không ít người ngỏ ý mua sản phẩm, nhưng An chưa bao giờ bán mà chỉ tặng. Thỉnh thoảng, có người gửi lại cô chút tiền làm quà mua thuốc uống để đỡ đau nhức.
"Được nhiều người biết đến, tặng họ những thứ mình làm ra khiến tôi thấy sự tồn tại của mình vẫn còn chút ý nghĩa", Thúy An nói.
Diệp Phan