Trở về căn hộ ở London sau một ngày bận rộn ở công ty, Trần Hạnh Trà My, 32 tuổi, tranh thủ đạp xe gây quỹ cho trại trẻ mồ côi ở Kon Tum, Việt Nam, nấu ăn và làm Podcast. My hiện là chuyên gia phát triển khách hàng (Client Development Specialist) của Epsilon, công ty về marketing theo công nghệ AI, thuộc tập đoàn quảng cáo hàng đầu nước Anh Publicis Groupe.
My cũng đồng sáng lập trang song ngữ Anh - Việt, với các khách mời có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam và thế giới - Beyond Tra Da Podcast, để chia sẻ việc học, xin học bổng và định hướng công việc cho các bạn trẻ.
Cuộc sống hiện đã "dễ thở", nhưng mỗi khi nhớ lại hơn ba năm trước, khi mới tới Anh, My thoáng rùng mình.
Cuối năm 2017, My bỏ lại công ty tổ chức sự kiện sáng lập cùng người bạn để theo chồng về Anh. Cô háo hức với cuộc sống mới, tự tin có thể xin được công việc văn phòng nhờ kinh nghiệm làm việc ở khách sạn năm sao và các công ty đa quốc gia. "Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản. Tôi đã rất sốc", My nói.
Vợ chồng My sống nhờ nhà mẹ chồng ở làng Abbots Langley, ngoại ô London. Chồng bận đi học, đi làm và gây dựng sự nghiệp, My quanh quẩn với những người già ở ngôi làng dành cho người về hưu. Muốn mua hộp sữa ăn sáng, cô phải đi bộ tới cửa hàng, cả đi lẫn về một tiếng. Không có ai cùng màu da, lứa tuổi, không có gì thân thuộc xung quanh, My thấy lạc lõng.
Để có tiền trang trải cuộc sống, My bắt đầu kiếm việc làm, ngày nào cũng gửi hơn chục CV vào vị trí sale và event (tổ chức sự kiện). 6 tháng đầu, hàng trăm CV được gửi đi mà không có hồi âm, My quay ra nghi ngờ bản thân và chìm đắm trong nỗi sợ thất nghiệp. Cô tự ti vì tiếng Anh chưa tốt, sợ nghe điện thoại gọi đến nhà, sợ CV không hấp dẫn. Mỗi lần được hẹn đi phỏng vấn, My run bắn vì không biết làm cách nào để tỏ ra hài hước hay thể hiện năng lực bản thân.
Ý định tìm việc văn phòng lúc đầu không thành, My chấp nhận có gì làm nấy. Công việc đầu tiên của cô là phát tờ rơi giữa trời tuyết lạnh giá, với mức lương 10 bảng một giờ. Nếu làm 8 tiếng, My chỉ nhận được 70 bảng.
Không lâu sau, My kiếm được việc tại một trung tâm vui chơi trẻ em, với vị trí quản lý nhóm 10 bạn tuổi teen vận hành trung tâm. Công việc gồm quản lý khu vui chơi, khu ăn uống, giữ gìn vệ sinh như lau sàn nhà, dọn vệ sinh, cọ toilet. Không phải người bản xứ, My bị những người làm cùng tẩy chay.
30 phút ăn trưa hàng ngày là khoảng thời gian My được thoát khỏi nơi làm việc không cửa sổ, với những chiếc camera giám sát. "Bữa cơm nào của tôi cũng chan đầy nước mắt. Mọi người thắc mắc tại sao tuyết rơi lại ra ngoài ngồi ăn, nhưng với tôi, đó là lúc không bị ai làm phiền hay phán xét", My kể.
Thời gian đó, cô xóa Facebook, không dám chia sẻ tình cảnh của mình với ai hay nói chuyện với chồng. My nhớ đến những ngày còn ở Việt Nam có nhiều mối quan hệ, cộng sự, bạn bè và những chuyến đi chơi xa. Nhìn bạn bè, người thân ở nhà mặc quần áo đẹp đến văn phòng làm việc, trong khi bản thân ở Anh phải đi cọ toilet, cô tự ti, muốn bỏ về.
My ví mình lúc ấy như con ngài, không biết thoát ra thế nào. Trong giây phút khổ đau nhất, My tìm đến thiền. Xong ba tháng thử việc nhưng không được nhận chính thức, My từ bỏ và xin được công việc văn phòng trong một dự án start up nhỏ tại London năm 2018. Thông qua web tuyển dụng Linkedin, cô được mời phỏng vấn vào vị trí Sales Executive (nhân viên bán hàng) của công ty Epsilon.
Để chuẩn bị cho lần phỏng vấn này, cô tập dượt với chồng, nhờ bạn của ông xã sửa CV và tham khảo kinh nghiệm bạn bè. My nhận ra nguyên nhân thất bại là tâm lý tự ti khi phải cạnh tranh với người bản xứ. Cô rụt rè, nói hàng trăm lần từ "yeah", không thể hiện được con người thật yêu đời, hoạt bát.
Trước khi phỏng vấn ở công ty mới, My phải làm một bài thi 10 câu hỏi về tính cách và cách làm việc. Điểm của bài thi sẽ cho ra một bản báo cáo xem My có phù hợp với công ty không. Ngoài ra, cô còn được yêu cầu chuẩn bị bài tìm hiểu vắn tắt về công ty, những thách thức của thị trường và phân tích điểm yếu của một nhãn hàng thời trang có thể là khách hàng tiềm năng của công ty.
Chưa từng làm về marketing và không rành về những sản phẩm marketing của Facebook, Instagram, Google Ads, My mất một tuần đọc và nghiên cứu mới lờ mờ hiểu công ty làm về sản phẩm marketing tiên tiến nhất thị trường được lập trình bằng trí tuệ nhân tạo (Programmatic và AI marketing). Sau nhiều đêm chuẩn bị, My nhận được phản hồi bài trình bày tốt hơn rất nhiều người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing. Nhờ đó, cô được vào vòng phỏng vấn.
Theo My, vòng phỏng vấn như "sân khấu" và ứng viên là diễn viên chính, phải thể hiện được sự thông minh, dí dỏm, chân thật và kiêu ngạo. Cô đã tìm hiểu kỹ người phỏng vấn, thể hiện tự tin, tỏ rõ mình hiểu sản phẩm và để lại ấn tượng tốt. Tuy nhiên, My vẫn trượt với lý do tiếng Anh không được lưu loát như người bản địa khi phải mô tả sự phức tạp của sản phẩm với khách hàng qua điện thoại.
Vì quý mến My, phó giám đốc team đó đã chuyển cô sang đội khác. Hoàn thành tốt vòng phỏng vấn, nhưng My vẫn không được nhận vì mức lương yêu cầu cao hơn mức có thể trả. Được thông báo lại bị chuyển sang một nhóm khác, phỏng vấn với hai giám đốc ở bộ phận quản lý khách hàng, My nản, tính không đi.
"Tôi bực, không hiểu họ có ý định gì khi lần lượt chuyển qua rất nhiều bộ phận. Với tâm thế đi phỏng vấn lần này cho vui nên tôi trả lời liều", My nhớ lại.
Công việc yêu cầu ứng viên phải có bằng thạc sĩ, trong khi My hai lần trượt đại học, chỉ có bằng cao đẳng Quản trị du lịch khách sạn học 8 tháng ở Singapore. Cô trình bày chưa từng có bằng đại học nhưng có kinh nghiệm xây dựng công ty ở Việt Nam trở thành một thương hiệu uy tín. My đã phải phải thuyết phục khách hàng ra sao để họ chịu bỏ tiền để công ty cô lo liệu ngày trọng đại. Công ty của My được biết đến khắp Hà Nội chỉ sau một năm.
Cuối cùng, sau 7 vòng phỏng vấn, qua ba bộ phận, My được nhận vào làm với vị trí nhân viên phát triển khách hàng (Client Development Executive). Bộ phận này chịu trách nhiệm phát triển khách hàng sau khi team bán hàng trực tiếp mang hợp đồng về và phải nâng doanh thu lên gấp 3-5 lần ban đầu. Vị trí của My do giám đốc tạo ra lúc phỏng vấn cô.
Giấc mơ của My là được làm công việc về marketing tư vấn cho các nhãn hàng lớn trên thế giới như Topshop, Dune, Domino Pizza nay đã trở thành sự thật. My cho rằng đã thuyết phục được nhà tuyển dụng bằng kinh nghiệm điều hành công ty riêng, thái độ không ngừng học hỏi và nhiều kỹ năng mềm khác. Vì thế họ không còn quan trọng việc cô có bằng đại học hay thạc sĩ hay không.
Sau 1,5 năm làm việc tại Epsilon, My thấy ngày nào cũng như đi học thạc sĩ vì có nhiều cái để học và ai cũng là cố vấn của mình. Công ty cũng thấy sự thành công của vị trí My làm và tuyển thêm người để phát triển khách hàng lớn.
Nhìn lại quãng đường đã qua, My nhận thấy công việc phát tờ rơi hay dọn vệ sinh đã giúp cô học tiếng Anh, cách giao tiếp và nuôi dưỡng nghị lực, sự mạnh mẽ để vươn lên. Khi đã vượt qua được khó khăn, My mong muốn giúp đỡ cộng đồng người Việt trẻ có tham vọng, trí tiến thủ, từ những kinh nghiệm bản thân.
Giám đốc bộ phận bán hàng Công ty Epsilon, ông Dave Allen, chia sẻ cuộc phỏng vấn với My để lại ấn tượng sâu sắc với Ban giám đốc công ty bằng câu trả lời thông minh, cách tạo mối quan hệ khéo léo trong và sau cuộc phỏng vấn.
"Cô ấy có bài thuyết trình thuyết phục hơn cả những ứng viên có nhiều kinh nghiệm lâu năm về marketing do sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng học hiểu sản phẩm của công ty", ông Dave nói.
Bình Minh