Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 20/4/2019, 02:08 (GMT+7)

Cô gái Việt ví Uzbekistan như vùng đất bước ra từ cổ tích

Uzbekistan gây ấn tượng với Lan Uyên bởi những cung điện đồ sộ, cột tháp tráng men hay khu chợ màu sắc.

Nguyễn Lan Uyên (biệt danh Saru, sống ở TP HCM) vừa có một chuyến đi bất ngờ đến vùng đất Trung Á, sau khi hủy hành trình đến Pakistan. Do đó, cô chỉ có thời gian chuẩn bị một tuần, từ khâu xin visa trực tuyến, đặt vé máy bay và lên lịch trình khám phá. Dưới đây là những ấn tượng của cô về đất nước này.

Nằm trên tuyến đường tơ lụa trải dài từ châu Á sang châu Âu, Uzbekistan là huyết mạch giao thương giữa các thương nhân từ ngàn xưa, để buôn bán đủ các loại hàng hóa, vải vóc…

Con đường huyền thoại 4.000 dặm (hơn 6.400 km) nối liền Trung Quốc với vùng Tây Á, gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ bí lưu truyền trong sử sách. Những hình ảnh điển hình về con đường này là đoàn người cưỡi lạc đà, mang theo tơ lụa, gốm sứ, giấy, thuốc súng… để đổi lấy những sản vật, tiền tệ, hay cả kiến thức về thiên văn học.

Con đường tơ lụa đã giúp Uzbekistan hình thành nên những di sản nghìn năm tồn tại đến ngày nay. Đó là những cung điện tráng lệ, khu phức hợp lăng mộ đậm dấu ấn lịch sử, học viện Hồi giáo Madrassa và những cột tháp thánh đường minaret nguy nga, cao vút. Tất cả như vẽ lên một bức tranh đậm sắc màu cổ điển, gợi lại những ký ức giao thương thời xa xưa, tạo cảm giác cho du khách như bước vào một thế giới cổ tích.

Bảo tàng Chashma Ayub, nằm ở thành phố Bukhara, giống như một cung điện với những cổng vòm, nổi bật trên thảm cỏ xanh có bồ công anh mọc xen kẽ. Tòa nhà được xây dựng khoảng năm thứ 605 của lịch Hồi giáo (tức 1208-1209), với mái vòm hình nón kiểu Khwarazm độc đáo.

Thật thiếu sót nếu du khách không đặt chân đến Itchan Kala, di sản thế giới được UNESCO bảo vệ, nằm nép mình trong ốc đảo Khiva. Nơi đây được bao quanh bởi các bức tường thành, nơi dừng chân quan trọng trên con đường tơ lụa.

Được hình thành từ thế kỷ thứ 6, Khiva là một bảo tàng sống, tái hiện lịch sử cổ xưa. Khi bước vào đây, bạn như biến thành một nhân chứng cho sự bất tử của thời gian.

Cột tháp Kalta Minor như một biểu tượng của Itchan Kala, được bao phủ hoàn toàn bằng gạch tráng men màu xanh, sành Majolica. Cột tháp minaret này được dự kiến xây cao đến 70 m, trở thành biểu tượng minaret đẹp nhất, cao nhất phương Đông. Tuy nhiên, một truyền thuyết kể lại, kiến trúc sư xây dựng tòa tháp này đã nhận hối lộ từ vị lãnh đạo Bukhara, để xây dựng một tòa tháp cao hơn cả Kalta Minor. Vị lãnh đạo Khiva lúc này là Mohammad Amin Khan biết được, ông nổi giận và giết chết kiến trúc sư, khiến cho cột tháp còn mãi dang dở đến ngày nay với chiều cao 29 m.

Ngoài Kalta Minor, ở Itchan Kala còn có hai cột minaret đã hoàn thành là Islam Khodja và Djuma Mosque. Mỗi thánh đường, mỗi vùng, mỗi quốc gia đều có kiến trúc minaret khác nhau. Minaret là cột tháp của các thánh đường Hồi giáo, có tác dụng thông gió. Ở Uzbekistan, các cột minaret này còn có tác dụng như ngọn hải đăng trên cạn, dẫn đường cho các thương nhân trên con đường giao thương, mua bán. Khi đứng từ đỉnh tháp, bạn sẽ dễ dàng quan sát cả thành phố với những thánh đường xanh như những viên ngọc lục bảo.

Lạc đà không còn là phương tiện vận chuyển hàng hóa. Ngày nay, ở Itchan Kala, du khách chi 10.000 soms (khoảng 30.000 đồng Việt Nam) cho mỗi lần chạm vào, cưỡi trên lưng.

Nguyễn Lan Uyên

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net