Năm 2016, Mai Trang từ TP HCM sang Dubai làm nhân viên khách sạn. Cô sống trong ký túc xá công ty nên đồ ăn hàng ngày chỉ có các món Trung Đông, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc.
Sang tháng thứ hai ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cô cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, nỗi nhớ món ăn Việt như phở, bún bò quay quắt. Khi số mì tôm mang sang đã cạn, Trang bắt đầu lùng sục các cửa hàng thực phẩm ở Dubai, tải thêm gần chục ứng dụng giao hàng để tìm nguyên liệu tự nấu cơm nhà.
"Món Việt giúp tôi đỡ nhớ quê và thỏa cảm giác thèm thuồng", Trang kể.
Công việc khá bận nên cô chỉ duy trì được một bữa mỗi tuần. Nhiều hôm tan làm muộn, cô đi bộ 20 phút băng qua sa mạc để mua bó rau muống về luộc, giã thêm tỏi ớt pha nước chấm. Món ăn đơn giản nhưng Trang cảm thấy "ngon vô cùng".
Ở Dubai, đa số người dân theo đạo Hồi nên thịt lợn (heo) là loại thực phẩm cấm kỵ, chỉ vài siêu thị có giấy phép được bán và phải đặt trong góc khuất nhất. Trong khi đó, món Việt mà Trang nấu có 70% cần thịt lợn.
Có lần, cô phải đón xe chục km để mua được miếng thịt. Mấy đồng nghiệp xuống bếp thấy Trang chuẩn bị nấu lập tức hét lớn, phản ứng dữ dội. Từ đó, Trang chỉ có thể nấu trên phòng riêng bằng nồi cơm điện với các món như thịt kho trứng, bún mọc và nui. Vài tháng sau, cô kết nối được với một số người Việt ở Dubai. Cả nhóm hẹn nhau cuối tuần cùng nấu nướng chung ở ngoài.
Nhưng khó khăn để làm được một món Việt ở Dubai chưa hết. Nguyên liệu ở đây rất đắt đỏ, một nắm rau muống nhỏ xíu (100 gram) có giá khoảng 42.000 đồng, tương tự với húng lủi, ngò gai, hành.
Ở Dubai, thịt gà, vịt đa số được bán đông lạnh, không có nội tạng. Cô thường đăng bài lên các nhóm người Việt để tìm lòng, mề nấu bún hoặc cháo. Những nguyên liệu đặc biệt mang từ Việt Nam sang thường có giá khá đắt như cá hú khoảng 600.000 đồng một con, dọc mùng (bạc hà) 60.000 đồng vài cọng. Một đĩa rau nhúng lẩu mắm (bắp chuối, rau quế, bông điên điển, bạc hà) có giá hơn 500.000 đồng.
"Nấu một mâm cơm Việt ở đây tốn vài triệu đồng là chuyện thường", Trang nói.
Để tiết kiệm, cô thường chia nhỏ nguyên liệu thành từng hộp trong tủ đông để kết hợp nấu các món khác nhau. Ví dụ như lòng heo nấu bún đậu mắm tôm và cháo lòng, cá hú nửa nấu canh chua, nửa còn lại kho cùng thịt ba chỉ. Rau thơm (húng lủi, diếp cá, ngò gai, ngò rí, rau răm) chỉ được thả vào một vài cọng nhỏ, tạo mùi vị.
Tìm được gia vị cho món Việt là thử thách tiếp theo. Không ít lần Trang đi bốn siêu thị mới mua được chai mắm cá xuất xứ Thái Lan gần giống với vị nước mắm Việt Nam.
"Nhưng không phải lúc nào tôi cũng may mắn. Cái gì không có hoặc không tìm được thì tức lắm, nên học cách tự làm", Trang kể. Cô lên mạng học cách xay cơm nguội, thêm muối, bột năng, dầu ăn, để làm thành sợi bánh canh. Cách chế biến không giống ai này vẫn cho ra sợi bánh dai mềm, thấm nước dùng giống 80% phiên bản ở Việt Nam.
Bạn bè người nước ngoài thường thể hiện sự thán phục sự chăm chỉ và cầu kỳ của Trang khi cặm cụi bào rau muống, nhặt từng lá rau răm suốt một tiếng. Mỗi lần làm sa tế, Trang mất nhiều giờ mới được 5 lọ nhỏ trữ trong tủ mát. "Các bạn nước ngoài cảm nhận ẩm thực Việt chi tiết và tỉ mỉ, thiếu một nguyên liệu món ăn không tròn đầy", cô kể.
Năm 2019, Trang kết hôn với bạn trai người Ai Cập và nhanh chóng biến chồng thành một tín đồ món Việt. Chồng cô nói ấn tượng nhất với món bánh cuốn vì nó đòi hỏi sự khéo léo mới làm được lớp tráng thật mỏng. Với bánh bột lọc, cô nghĩ ra cách đổ bột trên khuôn silicon (loại làm thạch rau câu) mang lại hương vị và hình thức gần giống với Việt Nam.
Cuối tuần, cô hay rủ bạn bè quốc tế đến nhà thử các món công phu hơn như lẩu mắm, cháo lòng. Bún bò là món được bạn bè người Ấn Độ, Dubai yêu cầu nhiều nhất. Mai Trang thường mất hai tuần gom nguyên liệu mới làm được các món này.
Ngày Tết, cô và chồng thường dành một tuần để lang thang các siêu thị Trung Quốc. Họ mua củ cải muối về bóp thêm chanh, đường, làm món ăn kèm với thịt kho trứng. Cô cũng mua thêm mẹt tre, lá chuối để trình bày món ăn tạo không khí như ở Việt Nam khiến bạn bè rất thích.
"Tôi xem nó như cách giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế", Trang nói.
Ngọc Ngân