Trong ngôi nhà xinh đẹp ở thành phố Boise (Idaho, Mỹ), chị Hằng Palmer, 31 tuổi, đang có cuộc sống viên mãn cùng ông xã David và hai con. Không như một số phụ nữ tại đây, chị Hằng chưa từng yên phận để chồng nuôi mà ngay từ lúc mới chân ướt chân ráo sang Mỹ, chị đã tự nhủ phải đứng trên đôi chân mình.
Song, không bằng cấp, tiếng Anh muốn nói gì phải dùng từ điển, chị đã phải chịu muôn vàn tủi nhục, trước khi có được công việc bao người mơ ước trong một công ty xuất nhập khẩu của châu Âu. Là người châu Á duy nhất trong công ty này nhưng chị được cấp trên ưu ái giao cho phụ trách các đối tác quan trọng.
Mỗi ngày hiện tại, chị phải khai thuế hải quan, xuất nhập khẩu, cùng nhiều dịch vụ khác cho 10 công ty mình chịu trách nhiệm. Đêm về, chị lại quản lý việc kinh doanh hàng mỹ nghệ từ Việt Nam sang Mỹ, cùng dịch vụ ship hàng về Việt Nam cũng như nội địa Mỹ.
Người phụ nữ đến từ Việt Nam - nhỏ, gầy và đen nhưng ánh mắt đầy cương nghị.
Ngay từ khi còn nhỏ, chị Hằng (ở Trảng Bom, Đồng Nai) đã ra dáng một người con cả đảm đang. Bố làm thợ hàn, mẹ chạy chợ, Hằng đảm đương mọi việc trong nhà. Cuộc sống của cô thiếu nữ xáo trộn khi mùa hè năm 2002 bà nội từ Mỹ về nước, dẫn theo một chàng trai ngoại quốc. Bà nội Hằng rất muốn ghép đôi cô cháu gái với anh chàng tốt tính này nhưng Hằng đang tuổi ăn, tuổi chơi nên ghét ra mặt.
David (năm đó 26 tuổi) chia sẻ thích Việt Nam nên anh theo chân bà sang đây du lịch. Thời gian ngắn ở đây, có không ít cô gái Việt theo đuổi, nhưng chẳng hiểu sao khi gặp Hằng, nhìn thấy cô bé gầy nhẳng mà ương bướng, anh lại thấy thú vị. David càng nhìn chằm chằm, càng bị Hằng xua đuổi như "đỉa phải vôi".
"Anh ấy ở nhà mình 3 tuần. Mình rất khó chịu, lạnh lùng, ăn nói cộc lốc. Cư xử tệ vậy mà anh ấy cứ dịu dàng, ngọt ngào" chị Hằng nhớ lại.
Một lần cả gia đình Hằng dẫn David đi Đà Lạt. Vì ghét quá nên ăn cơm xong, Hằng bỏ ra ngoài chơi, không chú ý ngoài trời rất lạnh. Lát sau, David đi ra đưa cho chị cái áo. Hành động quan tâm của anh khiến chị nhìn lại thái độ của mình.
Khi David về nước, Hằng đồng ý cho anh một cơ hội tìm hiểu. Hai năm tiếp theo, chàng trai Mỹ đều đặn gửi tình yêu về Việt Nam qua những lá thư, cú điện thoại. Vốn lãng mạn nên anh hay tặng cô gái Việt những món quà nhỏ bất ngờ, những lá thư có các câu tiếng Việt hoặc hát cho cô nghe những bản tình ca.
Hai năm sau, David quay trở lại cầu hôn và đón Hằng sang Mỹ, năm đó cô vừa tròn 18 tuổi. Bà nội ở xa, nên chỉ một mình Hằng tự xoay xở cuộc sống mới. Ra đi với tâm thế hào hứng bao nhiêu thì cuộc sống xa lạ nơi đất khách và nỗi nhớ gia đình đã vùi dập Hằng bấy nhiêu.
Chị bộc bạch: "Suốt 4 năm trời tôi sống trong nỗi buồn chán, không quen đồ ăn, nhớ và lo cho cha mẹ, trong đầu chỉ nghĩ phải về Việt Nam thôi. Nếu không phải vì tình yêu quá lớn của chồng, gia đình chồng quá tốt thì tôi đã quay về rồi".
David làm marketing trong một công ty điện tử, đủ sức để nuôi vợ con và báo hiếu bố mẹ vợ. Song vợ cương quyết tự lo cho gia đình ở quê nhà nên anh buộc phải đồng ý cho chị đi làm.
Công việc đầu tiên là làm thu ngân trong siêu thị, nhưng vì khả năng giao tiếp kém nên Hằng luôn bị nhìn bằng ánh mắt coi thường. Có lần, chị làm trong một quán ăn của người Việt, nhưng cũng thường xuyên bị bà chủ quát mắng, sỉ nhục. Kiếm một công việc rất khó khăn nên chị đã nuốt nước mắt vào trong.
Năm 2010, Hằng xin vào một công ty may mặc với mức lương 8 đôla/giờ. Công việc ban đầu cũng rất khó khăn khi chị không biết may nên thường bị những đồng hương người Việt chê bai: "Chắc chắn sẽ bị đuổi trong vòng một tuần" hoặc "Trời ơi, coi nó may nè"...
Ba tháng sau, công ty tuyển vị trí quản lý chăm sóc khách hàng. Chị Hằng nộp hồ sơ ứng tuyển, cùng với 15 người có kinh nghiệm lâu năm. Biết chuyện, vẫn những đồng nghiệp kia nói: "Mày trèo cao quá, người châu Á mà đòi lên chức".
"Lúc mình vào phỏng vấn, người quản lý đã hỏi: 'Cho tôi biết lý do tại sao nên chọn bạn, khi bạn mới làm được 3 tháng'. Mình xoáy thẳng vào mắt người quản lý trả lời kiên quyết: 'Vì tôi muốn chức vụ đó và tôi tin sẽ làm tốt hơn những người khác'", chị thuật lại.
Thật bất ngờ, họ đã chọn cô gái Việt vì thái độ quá tự tin của chị. Đây cũng là bước ngoặt lớn kể từ khi Hằng đi làm trên đất Mỹ.
Bốn năm sau công ty may đóng cửa. Hằng đi học làm móng, nhưng tiếp xúc một thời gian ngắn, chị không thấy đam mê với công việc nên từ bỏ, dù lương khá cao. Cùng lúc đó, có một công ty xuất nhập khẩu của châu Âu tuyển người làm. Ban đầu khi đọc yêu cầu tuyển dụng, chị cũng sợ vì có 10 đòi hỏi, quan trọng nhất là bằng cấp mà chị thì không có. Nhưng vẫn với thái độ "không có gì để mất", Hằng tự tin tham dự phỏng vấn cùng 40 đối thủ.
"Mình vẫn mặt dày lắm, không kinh nghiệm mà vẫn tỏ ra chuyên nghiệp, ăn nói tự tin. Hạnh phúc vỡ òa khi họ nói sẽ chọn mình", chị hạnh phúc khoe.
Với sự tự tin và niềm đam mê, chị Hằng nhanh chóng hòa nhập công việc. Đầu năm 2017, chị Hằng lập kỷ lục và được thư khen ngợi của sếp khi chỉ trong một ngày đã thông quan 31 chuyến hàng vào Mỹ.
Năng lực được ghi nhận, trọng trách được giao càng lớn. Chị Hằng trở thành nhân viên quan trọng của công ty. Mới đây, chị còn nhận được 4 lời mời từ các công ty xuất nhập khẩu khác, trả một mức lương cao hơn nhưng vì quý người sếp đã nâng đỡ mình nên chị vẫn gắn bó với công ty này.
Cũng từ đây, bà mẹ hai con đã nảy ra ý tưởng nhập hàng hoá do người Việt làm để cung cấp cho thị trường Mỹ. Tiếp đó, chị kinh doanh thêm dịch vụ ship hàng trong nội địa Mỹ và ship hàng về Việt Nam. Trong thời gian tới, chị sẽ tập trung vào việc nhập cà phê organic của Việt Nam bán cho các đối tác nước ngoài.
David, 41 tuổi, giãi bày anh rất hài lòng với sự trưởng thành của vợ và sẵn sàng gánh vác mọi công việc gia đình để chị có thể theo đuổi đam mê. "Cô ấy đã gây dựng được sự nghiệp cho mình từ con số 0. Gia đình, bạn bè tôi đều rất nể phục cô ấy. Chỉ cần vợ cười hạnh phúc thì tôi có thể làm bất cứ việc gì".
Chị Hằng cảm kích chia sẻ, chồng đúng là món quà tuyệt vời nhất ông trời đã ban cho và may mắn chị đã không bỏ qua. Trong hơn chục năm sống cùng nhau, anh đã ở bên chị mọi lúc, chia sẻ cùng chị mọi cay đắng, ngọt bùi.
"Biết mình nhớ nhà nên anh tự lên mạng học cách nấu những món ăn Việt Nam. Anh ấy học văn hóa Việt để mang vào cuộc sống hàng ngày. Vào các dịp lễ Tết, anh tự biết đi mua đồ về trang trí. Có bộ phim Việt nào hay là anh mang về cho mình xem khiến mình cảm giác đang ở quê nhà...", giọng xúc động, chị cho biết.
Trên Facebook cá nhân, chị Hằng từng viết: "Như quả trứng, nếu chờ bị vỡ từ bên ngoài thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác. Nếu bạn có thể đánh vỡ mình từ bên trong, như vậy mới thực sự tái sinh".
Bản thân chị cũng tự mổ vỏ mà ra để trưởng thành như hôm nay.
Phan Dương