Phạm Hoài Thương, 28 tuổi, là phiên dịch viên tiếng Nhật sống tại Đà Lạt. Cô trở về Việt Nam ngày 6/12, sau nửa tháng trải nghiệm mùa đông Mông Cổ.
"Trước giờ tôi vẫn biết nơi này là một thảo nguyên xanh. Tôi cũng đọc rất nhiều về mùa hè hay thu đẹp như thế nào, còn mùa đông thì chưa. Vì vậy, trước câu chuyện của người bạn về mùa đông Mông Cổ, tôi bắt đầu tò mò. Mông Cổ ngoài những lúc đẹp như tranh vào hè, thì mùa đông trên thảo nguyên có gì?", nữ du khách Việt chia sẻ về lý do chuyến đi.
Khi máy bay hạ cánh ở thủ đô Ulaanbaatar, màu sắc đầu tiên đập vào mắt Thương là trắng. Tuyết phủ trắng khắp thành phố, núi non, thảo nguyên. "Mông Cổ như một chiếc chăn bông khổng lồ", Thương nói. Lái xe địa phương khi vừa gặp đã nhắc cả đoàn mặc thật ấm.
Thương bắt đầu hành trình bằng chuyến đi dọc miền Bắc đất nước, xuyên qua những thảo nguyên để ngắm tuyết. Cô lần đầu làm quen với cái lạnh ban đầu là âm 15 độ C. "Chúng tôi đều trang bị 'full giáp' từ quần giữ nhiệt tới miếng dán nhiệt", nữ du khách nói về kinh nghiệm chống sốc nhiệt.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu bởi cái lạnh âm 15 độ C "không là gì cả". Khi nhóm rời thành phố và các thị trấn có khách sạn trang bị máy sưởi để vào rừng Taiga nằm ở biên giới với Nga, nhiệt độ có lúc xuống tới âm 41 độ C.
Trong rừng Taiga có ngôi làng biên giới Tsagaan Nuur (làng tuần lộc). Làng có internet, nhưng không có nước tắm. Mọi người lấy nước sinh hoạt bằng cách ra sông đóng băng đào một hố nhỏ và múc nước từ đó lên. Thương cho biết nước nhiều cặn, nhưng là nguồn duy nhất. Điều Thương thấy thích thú là xung quanh đều đóng băng, nhưng khoảng 5 km đầu nguồn dòng sông thì không.
Zolo Zolkhuu, hướng dẫn viên địa phương 34 tuổi và từng du học tại Việt Nam, cho biết hầu hết sông ở Mông Cổ đều như thế. "Khoảng 5-7 km phía đầu nguồn các sông có nhiều mạch nước ngầm rất mạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 0 độ C nên chưa đóng băng", anh nói.
Rời làng biên giới, nhóm đi sâu hơn vào rừng Taiga để đến Tsagaan (bộ lạc tuần lộc). Mùa đông, nhóm di chuyển hết hai tiếng. Nhưng mùa hè, du khách phải đi mất 9 tiếng bởi khi đó, bộ lạc di chuyển xa hơn về phía Bắc, nơi có thời tiết mát mẻ thích hợp với tuần lộc.
Tại làng biên giới, Thương nghỉ trong các nhà có máy sưởi nên ấm. Ở bộ lạc tuần lộc, cô ngủ trong các ger (lều truyền thống). Họ phải đốt lửa trong lều cả ngày. Ra ngoài được khoảng 30 phút họ lại phải vào trong, dù đã dán 5-10 miếng giữ nhiệt vào chân, bụng, lưng.
"Ra khỏi lều, phần nào trên cơ thể không được che chắn như tóc, lông mày và cả nước mũi sẽ đóng băng", Thương nói. Mắt kính của cô cũng đóng băng, không nhìn thấy gì.
"Chuyến đi này gặp thời tiết lạnh nhất tính từ năm 1975. Khách Việt chịu được lạnh rất giỏi, không ai bị ốm hay mệt. Họ chụp ảnh hào hứng", hướng dẫn viên Zolo nói và cho biết thêm mọi người quý anh và coi như thành viên trong đoàn.
Phần lớn thời gian nhóm của Thương ăn trong các nhà hàng cho khách du lịch, đồ dễ ăn, bữa nào cũng có cơm. Những ngày sống ở làng biên giới hay bộ lạc tuần lộc, cô mới thưởng thức nhiều món địa phương. "Người dân ở đây ăn bánh mỳ và nhóm không quen ăn thức ăn bản địa. May mắn Zolo mang theo gạo và nhờ người dân nấu giúp. Zolo dẫn nhiều tour khách Việt nên có lẽ biết người Việt thích ăn cơm", Thương nói.
Một trong những điều khiến cô ngưỡng mộ khác là các tài xế trong đoàn. Họ có thể di chuyển giữa thảo nguyên tuyết trắng mà không cần nhìn bản đồ. Mỗi lái xe cũng là thợ sửa xe chuyên nghiệp. Giữa đường nếu xe bị hỏng, họ sẽ tự lấy đồ nghề ra và sửa luôn. "Có lẽ khoảng cách giữa các điểm đến ở Mông Cổ xa, lại vắng vẻ. Do vậy, họ phải tự làm", Thương nói.
Thương lên kế hoạch đến Mông Cổ vào tháng 9. Khi tìm hiểu, cô biết đi tự túc gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đi lại là mùa khắc nghiệt nhất nên cần tìm tour. Không ai tổ chức tour chỉ cho một mình Thương nên cô cần gom tối đa 12 người. "Thế là tôi liều, rủ rê mọi người. Sau hai tháng, nhóm tôi có 14 người", Thương nói và bất ngờ vì có nhiều người tham gia.
Cô cũng lưu ý mọi người nên chuẩn bị ít nhất 4 miếng dán nhiệt một ngày, quần áo giữ nhiệt, áo phao chắn gió, giày đi tuyết cùng găng tay, mũ. Ngoài ra, mọi người có thể mang theo viên rau củ, đồ ăn nhẹ và các loại vitamin vì Mông Cổ chủ yếu ăn thịt bò, cừu, ngựa, ít rau. Nếu có, chỉ là rau cải bắp.
Chuyến đi lần này, mỗi người hết khoảng 65 triệu đồng. Các địa điểm mà nhóm khách Việt đã đặt chân đến là thủ đô Ulaanbaatar, thành phố Kharkhorin, tu viện Erdenezuu, núi lửa Khorgo, hồ trắng Terkh, thành phố Murun, làng tuần lộc, bộ lạc tuần lộc, hồ Khuvsgul, thành phố Erdenet.
"Mông Cổ mùa đông khắc nghiệt, nhưng thiên nhiên kỳ vĩ, xứng đáng xuất hiện trong danh sách nhất định phải ghé thăm một lần trong đời", Thương nói.
Phương Anh
Ảnh: NVCC