Ngồi trước laptop, Nguyễn Thị Như Thắm (19 tuổi, Đà Nẵng) tỉ mẩn từng chút với bản thiết kế poster cho một sự kiện. Đây là một trong những công việc làm thêm của em suốt một năm "gap year" vừa qua để kiếm tiền nộp hồ sơ xin học bổng du học. Nhà có 4 anh chị em, bố mẹ là công nhân, nông dân, Thắm từng nghĩ du học quá xa vời. Thậm chí họ hàng còn khuyên đừng "trèo cao ngã đau".
Đầu tháng 2, Đại học VinUni thông báo hỗ trợ Thắm 100% học phí, khoảng 3,2 tỷ đồng cho 4 năm học ngành Quản trị kinh doanh. Tháng 4, Đại học Berea College của Mỹ (top 33 Liberal Arts Colleges) chấp nhận hỗ trợ Thắm toàn bộ học phí, sinh hoạt phí; Carnegie Mellon University (top 26 National Universities) trụ sở Qatar cấp học bổng toàn phần 6,7 tỷ đồng cho 4 năm.
"Chia sẻ thông tin với gia đình, ba mẹ còn nghĩ em bị lừa. Cả nhà nội, nhà ngoại rồi cả khu nhà em không ai tin vì số lượng người trong xã học đại học hạng cao như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân còn ít huống chi đi học ở Mỹ. Nhưng khi biết đó là sự thật, ai cũng hãnh diện. Em cũng vui vì trở thành niềm tự hào của mọi người", Thắm nói.
Sinh ra ở xã Hòa Châu, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng, cả thời tiểu học và THCS, Thắm gần như không đi đâu ra khỏi xã. Em không biết IELTS, SAT là gì, không biết du học Mỹ ra sao và có biết cũng chẳng nghĩ tới vì "ba mẹ chỉ nuôi 4 anh chị em cũng đủ vất vả rồi, tiền đâu cho du học". Rồi em trở thành học sinh hiếm hoi của xã đỗ vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Là nữ sinh chuyên Văn ngôi trường hàng đầu thành phố, lần đầu tiên sống xa nhà, Thắm như được mở mang tầm mắt. "Đó là cột mốc thay đổi cuộc đời em", Thắm chia sẻ.
Những ngày đầu bước chân vào trường chuyên, Thắm sốc văn hóa. Dù chỉ cách nhà em khoảng 18 km, cách sống, cách suy nghĩ của mọi người đã rất khác. Trong khi ba mẹ em cũng như bạn bè ở quê hầu hết làm nông dân, công nhân thì ở đây ba mẹ các bạn đều là luật sư, kỹ sư, giám đốc. Điểm số đầu vào không hề thua kém các bạn, Thắm tự thấy khả năng của mình không bằng.
Như với tiếng Anh, vừa vào trường, nghĩ rằng môn này quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội phát triển, Thắm đăng ký vào câu lạc bộ tiếng Anh để nâng cao khả năng bởi không có tiền đi học trung tâm. Vào đó, Thắm sốc vì phần lớn thành viên định hướng du học, mọi giao tiếp đều bằng tiếng Anh. Em thấy mình lạc hậu khi nghe mọi người nói chuyện mà không hiểu, đọc bài viết ngắn cũng không nắm được nội dung. Thắm nhận ra những gì học được ở thời THCS chỉ là tiếp thu ngữ pháp thụ động.
Suốt cả tháng, Thắm stress, nghĩ mình không bao giờ bắt kịp bạn bè vì hầu hết đã đầu tư cho tiếng Anh để thi chứng chỉ từ năm lớp 6-7. Đến một ngày, Thắm nghĩ không có lý do gì để làm mất đi cơ hội học tập chỉ vì suốt ngày mặc cảm. Em nghĩ đến mục tiêu tham gia câu lạc bộ để sốc lại tinh thần, bắt đầu không quan tâm quá nhiều về người khác, lấy sự giỏi của các bạn làm động lực rồi tự học.
Làm quen với các anh chị đi trước trong trường, Thắm biết du học là điều có thể với "con nhà nghèo" như mình nếu giành được học bổng toàn phần. Tìm hiểu thêm, cô gái sinh năm 2002 thấy du học sẽ là trải nghiệm rất mới. Dù tiếng Anh lúc đó chỉ ở mức "xoàng", Thắm hạ quyết tâm phải giành học bổng du học Mỹ.
Bắt đầu từ các chứng chỉ và bài thi chuẩn hóa, Thắm tự học hoàn toàn. "Em luôn nghĩ chỉ cần thực sự muốn điều gì thì chắc chắn có cách để đạt được. Em cứ tập trung vào suy nghĩ đó và tự cải thiện", Thắm nói. Em chủ yếu lên mạng tìm kiếm cách học, tài liệu, rồi gặp gỡ anh chị đi trước để học hỏi. Sau ba năm, Thắm đạt được mức điểm IELTS 8.0, SAT 1.500/1.600, SAT Toán I và II 800/800.
Quá trình tự học, Thắm tự khiến mình trở nên năng động hơn. Em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, thậm chí còn đồng sáng lập ra câu lạc bộ tranh biện đầu tiên ở Đà Nẵng. Cũng từ đó, em học được kỹ năng lãnh đạo, tổ chức sự kiện. Em cùng các bạn trong câu lạc bộ tạo ra giải tranh biện quy mô toàn thành phố và trại hè tranh biện đầu tiên ở Đà Nẵng với sự tham gia của học sinh khắp cả nước.
Để có thêm trải nghiệm và thu nhập, Thắm còn tự học thiết kế đồ họ rồi tham gia các tổ chức với vai trò thiết kế. Lớp 11, khi tiếng Anh đã tốt, Thắm đi làm trợ giảng và dạy thêm môn học này. Những gì đã làm trong suốt ba năm phổ thông góp phần không nhỏ giúp Thắm có hồ sơ đẹp khi nộp hồ sơ du học.
Hết lớp 12, Thắm quyết định gap year một năm, dành thời gian cho gia đình do ba năm học THPT xa nhà lại sắp đi học đại học. Em cũng muốn có khoảng nghỉ để đi làm, va chạm hơn, có nhiều trải nghiệm hơn trước khi bắt đầu bậc học cao hơn. Việc làm thêm trợ giảng, thiết kế đồ họa cho các dự án, làm gia sư cũng giúp em có thêm kinh phí để du học vì ba mẹ không thể hỗ trợ.
Tháng 8/2020, trước thời điểm nộp hồ sơ 3 tháng, Thắm mới chuẩn bị bài luận để hoàn thiện hồ sơ. Trải qua quá nhiều mặc cảm trong cuộc sống, Thắm đưa khía cạnh này vào bài luận. Em nói về việc bản thân đã thay đổi cách nhìn nhận như thế nào để loại bỏ cảm giác mặc cảm. "Khi em thay đổi cách nhìn, thứ mà em luôn mặc cảm, ghét bỏ lại trở thành thứ mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho em và mọi người xung quanh", Thắm nói. Bài luận này góp phần giúp em ghi điểm trong mắt nhà tuyển sinh để rồi nhận được tới ba học bổng toàn phần.
Đạt được ước mơ, Thắm trở nên thong thả hơn. Em có nhiều thời gian hơn cho các sở thích cá nhân như đọc sách tâm lý tội phạm, tìm hiểu các vụ án lớn trong lịch sử, xem phim tài liệu hay tìm hiểu về thiên văn. Em cũng dành thời gian học thêm tiếng Pháp và tự học thêm tiếng Hàn cũng như duy trì công việc làm thêm.
Luôn nghĩ sẽ du học Mỹ nhưng Thắm đã quyết định chọn Đại học VinUni ở Hà Nội sau khi tìm hiểu kỹ về trường, cộng thêm một phần lo lắng trước Covid-19. "Với cô gái nông thôn như em, việc học trường chuyên bậc THPT đã như một chuyến du học thay đổi cuộc đời. Em nghĩ việc ra Hà Nội học ở trường đại học với nhiều giáo sư giỏi cũng sẽ là một chuyến du học đem lại nhiều trải nghiệm nữa chứ không nhất thiết phải ra nước ngoài", Thắm nói.
Nữ sinh sẽ nhập học vào tháng 8 tới, sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT. Lên bậc đại học, em dự định không làm thêm mà tìm cơ hội thực tập ở ngành nghề mình học để có kinh nghiệm làm việc sau khi ra trường.