Bệnh nhân vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cấp cứu trong tình trạng sốt 40 độ, đau rát, mạch nhanh, thở nhanh. Ngày 29/11, bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, chẩn đoán bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng (còn gọi hội chứng Lyell), tổn thương 95% cơ thể, các nốt phỏng và vết trợt lớn, tiết dịch và dễ chảy máu.
Bệnh nhân cho biết uống kháng sinh zinnat và thuốc hạ sốt paracetamol tại nhà, không nhớ liều lượng. Hiện, bác sĩ chưa xác định nguyên nhân, nghi ngờ có thành phần gây dị ứng. Bệnh nhân cũng không rõ tiền sử dị ứng thuốc của mình.
Người bệnh phải điều trị trong buồng cách ly đảm bảo vô trùng, dùng corticoid liều cao, kháng sinh mạnh, truyền dịch. Bác sĩ che phủ vết thương bị trợt bằng màng sinh học để không gây dính và mất dịch, nhờ đó vết thương không bị nhiễm trùng, lành nhanh hơn.
Sau 9 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân tốt lên, tổn thương da cải thiện.

Tự ý dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ có thể xảy ra tình trạng dị ứng, nhiễm độc. Ảnh: Theo Nbc News
Hội chứng Lyell còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc, trong nhóm dị ứng thuốc chậm. Đây là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhóm này, nguy cơ tử vong cao (ở Mỹ khoảng 35%, Việt Nam hơn 50%). Bệnh thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc khoảng từ một đến 4 tuần, trung bình là 14 ngày.
Bệnh đặc trưng bởi tình trạng hoại tử ở lớp thượng bì (lớp trên cùng của da), sau đó trợt loét vùng da này. Hoại tử là do hiệu ứng độc hại của các chất gây dị ứng có trong cơ thể. Ban đầu, người bệnh sốt cao, mệt mỏi toàn thân, đau khớp, rát ở kết mạc, đau ở da; vài giờ đến một hoặc hai ngày sau thì xuất hiện ban đỏ ngoài da hoặc mụn nước. Trường hợp nặng có thể trợt da toàn bộ cơ thể.
Bệnh nhân còn bị tổn thương vùng kết mạc mắt, nguy cơ suy giảm thị lực; tổn thương niêm mạc môi, miệng khiến bệnh nhân đau đớn không ăn uống được; tổn thương niêm mạc vùng sinh dục. Bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, sốt cao, mất nước điện giải. Tình trạng nặng hơn với nhóm người cao tuổi, có nhiều bệnh phối hợp, thể trạng suy kiệt, chăm sóc không tốt dẫn đến bội nhiễm...
Các nhóm thuốc có thể gây hội chứng Lyell là thuốc điều trị gout (allopurinol), bệnh lý thần kinh (cacbamazebin-tegretol), thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc. Bác sĩ cho biết dị ứng thuốc là do cơ địa của từng người chứ không phải do các loại thuốc trên.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc. Trường hợp bị dị ứng, bệnh nhân phải ngừng thuốc và tới ngay bệnh viện để điều trị.
Minh An