Tư tưởng này đề cao tính lợi ích trong quá trình hẹn hò và chung sống. Ở đó, một người được yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần một cách cực đoan.
Quan điểm này dường như khởi phát từ Trung Quốc. Trong một video đăng tải từ tài khoản Douyin mang tên "Ta" tháng 2/2022, tác giả đưa ra quan điểm: "Với đàn ông, kết hôn giúp anh ta giải quyết vấn đề trong tương lai. Nếu anh là người thành đạt, thì chỉ cần tìm một phụ nữ sẵn sàng kết hôn là đủ. Với phụ nữ, kết hôn giúp thỏa mãn những gì đang mong cầu. Nếu yêu một người có nhà, tôi sẽ không cần mua nhà, yêu một người có xe, tôi sẽ không cần mua xe". Chỉ sau vài ngày video đã vào top 1 được yêu thích nhất trên nền tảng Douyin về chủ đề kết hôn và vẫn tiếp tục giữ vững vị thế cho tới nay, với tổng cộng hơn 6 triệu lượt xem, 181 nghìn lượt thích, 98 nghìn lượt chia sẻ và hơn 21 nghìn bình luận. Nhiều người phê phán lối nghĩ này của tác giả, tuy nhiên cũng không ít người đồng tình.
Tư tưởng đề cao tính thực dụng trong hôn nhân vốn không phải là điều mới mẻ với giới trẻ Trung Quốc. Theo một khảo sát năm 2019, có tới 81,6% số nữ giới sinh sau năm 1995 mong muốn người chồng của họ phải sở hữu nhà trước khi kết hôn. Bên cạnh đó, khoảng 40% đáp viên thuộc nhóm đối tượng này đòi hỏi người yêu phải có thu nhập trên 10.000 tệ/ tháng (cao hơn 1,5 lần so với thu nhập trung bình tại Trung Quốc thời điểm đó). Không chỉ nữ giới, nam giới cũng mong muốn làm "em bé". 90,7% nam giới sinh sau năm 1995 sẵn sàng kết hôn với phụ nữ hơn tuổi. Trong đó, 59,3% sẵn sàng kết hôn với bạn đời chênh lệch từ 5 tuổi trở lên. Một nghiên cứu khác từ Đại học Standford vào năm 2023 tại Trung Quốc cho thấy một người độc thân sở hữu nhà trước hôn nhân có tỷ lệ thành công cao hơn 70% so với những người không có, khi cầu hôn.
Với sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, xu hướng trên du nhập vào Việt Nam với những trào lưu như: "Em chỉ muốn được làm em bé" hay "Mãi là em bé"... Những video chứa nội dung này nhận được lượng chia sẻ lớn từ người xem. Theo dữ liệu được tổng hợp từ TikTok vào thời điểm nghiên cứu, 7/2024, từ khóa "nuông chiều" ghi nhận 159 video liên quan với tổng cộng gần 145 triệu lượt xem. Tức trung bình một video sở hữu 918 nghìn lượt theo dõi từ người dùng, một con số đáng mơ ước với các TikToker. Cũng với từ khóa đó, có 226 tin bài mới được đăng tải mỗi ngày trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Nguồn dữ liệu trên được thu thập từ Reputa vào tháng 7/2024.
Xu hướng trên vừa mang tới những mặt tốt, vừa có tác động tiêu cực tới cách nghĩ của giới trẻ Việt Nam.
Về mặt tích cực, những nội dung này ít nhiều giúp mọi người hiểu rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của bản thân trong hôn nhân. Ước muốn có điểm tựa về thu nhập cũng như sự thấu cảm về tinh thần trong một mối quan hệ là điều chính đáng, dễ hiểu, đặc biệt là với nữ giới. Tại Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á khác, nữ giới vẫn phải chịu thiệt thòi hơn về việc phát triển sự nghiệp sau kết hôn, khi phải chia nhỏ quỹ thời gian cho gia đình và con cái. Nhu cầu thấu hiểu và chia sẻ trước và sau hôn nhân đối với nữ giới cũng cao hơn do mức độ nhạy cảm lớn hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Lão khoa, Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), "bộ não của phụ nữ nhạy cảm hơn khi đối diện với các tác nhân gây căng thẳng và thiếu kiểm soát".
Mặt khác, mạng xã hội không chỉ tồn tại những video tích cực trong đó nữ giới khoe khéo sự chăm sóc về khía cạnh tinh thần của bạn trai. Trong không ít video, các cô gái ăn mặc kiệm vải, khoe đường cong và những lời mời gọi như một sự đánh đổi thể xác lấy vật chất. Sự lan truyền của những nội dung này, đến lúc nào đó, sẽ không còn dừng lại ở việc flex cảm giác được cung phụng... mà có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc nhằm mưu cầu vật chất trong các mối quan hệ, như là dễ dãi trở thành sugarbaby thay vì theo đuổi con đường tự lập bằng việc trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong công việc.
Với sự phổ biến và ảnh hưởng của mạng xã hội, tác động của những nội dung tưởng như vô thưởng vô phạt này là khó lường với thế hệ trẻ. Quan hệ sugarbaby - sugardaddy giữa các cô gái trẻ và những người đàn ông có tiền được coi là "vùng xám" về đạo đức xã hội, không dễ điều chỉnh bằng các quy định pháp luật, nhưng lại rất nhanh, tạo ra một lớp trẻ lười nhác, thích hưởng thụ. Các hành vi môi giới mại dâm, những tội ác bột phát nảy sinh do mâu thuẫn giữa nhu cầu vô đáy và khả năng đáp ứng thực tế có thể gián tiếp nảy sinh từ những vùng xám như vậy.
Mưu cầu sự thấu hiểu về tâm hồn và chia sẻ về tài chính rốt cuộc vẫn là một mục tiêu chính đáng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, ai cũng cần phải giữ cho mình suy nghĩ tỉnh táo và thực tế về xã hội. Trừ gia đình, người thân, không ai cho không ai thứ gì cả, việc thấu hiểu và đồng cam cộng khổ là điều tất yếu cần có của mọi mối quan hệ lâu dài.
Bạn vẫn có quyền ước mơ "được bé lại" trong một mối quan hệ, nhưng nhất định không phải là "một người lớn không chịu trưởng thành".
Bùi Hữu Mạnh