Bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đánh giá mắt phải của bệnh nhân mất thị lực, khó hồi phục về bình thường. Người bệnh được điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, giúp giảm phù nề. Cô gái cho biết bạn trai không phải là bác sĩ, tự học tiêm filler và mua về tiêm. Khi xảy ra sự cố, anh này tiêm thuốc giải cho cô nhưng không hiệu quả.
Thời gian qua, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai biến sau tiêm chất làm đầy, botox, chủ yếu do mua trên mạng về tiêm hoặc tiêm tại các spa - nơi không được cấp phép để thực hiện những kỹ thuật này. Trong đó, filler được dùng để làm đầy các khiếm khuyết cơ thể, còn botox dùng để xóa nhăn.
Mới đây, Bệnh viện Da Liễu TP HCM tiếp nhận cô gái bị sụp mi, nhìn mờ, xuất huyết dưới da mi mắt, sau 10 tiếng được em họ tiêm filler tại nhà. May mắn nhờ xử trí kịp thời, bệnh nhân phục hồi được thị lực.
BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, cho biết trong số khoảng 200-500 bệnh nhân đến khám vì tai biến thẩm mỹ mỗi năm, khoảng 70% liên quan thủ thuật tiêm chích. Phần lớn trường hợp tai biến do thực hiện từ spa, thẩm mỹ viện chưa được cấp phép, người thực hiện không phải bác sĩ thẩm mỹ, không đảm bảo điều kiện vô khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân thường dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng...
"Có những tai biến để lại di chứng vĩnh viễn hoặc phải tốn công sức, tiền bạc điều trị thời gian dài mới hồi phục được phần nào, không thể trở về như ban đầu", bác sĩ Thúy nói.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy. Cơ sở thực hiện thủ thuật phải được cấp phép. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể, thậm chí tử vong. Năm ngoái, cô gái 27 tuổi, tử vong khi tiêm filler nâng ngực tại khách sạn ở quận 10, nghi do sốc thuốc.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, tại hội nghị về tai biến thẩm mỹ tuần trước, cho rằng việc mua bán vật tư, thiết bị y tế quá dễ dàng là một trong những nguyên nhân góp phần khiến tai biến thẩm mỹ tăng cao gần đây. Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh quản lý thuốc, vật tư, trang thiết bị liên quan thẩm mỹ.
"Chỉ cần lên mạng gõ filler, botox là đã được giao hàng tận nhà. Những sản phẩm này được xếp vào nhóm trang thiết bị y tế, không quản lý nghiêm ngặt như thuốc, thành ra bị lạm dụng mua bán tràn lan", ông Thượng nói. Trên các sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm filler, botox được bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Lãnh đạo ngành y tế thành phố cho biết đang kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định pháp luật trong việc kiểm soát chặt các sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ, bao gồm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
"Các sản phẩm thẩm mỹ cần phải được xem như thuốc kê đơn, không thể để xảy ra tình trạng ai cũng mua bán được, từ đó dẫn đến những tai biến đáng tiếc", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng nói.
Ngoài ra, trong bối cảnh hoạt động thẩm mỹ ngày càng biến tướng, với nhiều "bác sĩ tay ngang", cơ sở "núp bóng" gây tai biến cho bệnh, TP HCM sẽ siết chặt những quy định trong hành nghề thẩm mỹ, cả về giấy phép hành nghề chuyên khoa thẩm mỹ và thẩm định cấp phép cho các cơ sở. Với các trường hợp cố tình vi phạm lặp đi lặp lại, Sở sẽ chuyển vụ việc đến Công an TP HCM để xử lý.
Lê Phương