Màn đêm buông xuống, con phố nhỏ đã im lìm, gia đình Py cũng đã say giấc. Chỉ còn mình anh ngồi đây, ngẫm lại 34 năm cuộc đời đã qua. Py tên thật là Nguyễn Hạnh Phúc. Những ai gặp anh lúc này khó có thể nhận ra anh từng là một cô gái nhỏ bé. Hơn 30 năm hết cam chịu, chấp nhận rồi lại đấu tranh, tìm kiếm, cuối cùng anh được sống với con người thật của mình, có gia đình hạnh phúc với người vợ xinh xắn và cô con gái nhỏ đáng yêu.
Py sinh ra và lớn lên trong hình hài một bé gái, sống với sự kèm cặp, yêu thương của cha mẹ. Cả gia đình lẫn họ hàng đều dành nhiều tình cảm cho đứa con gái út trong nhà. Py từng là một cô con gái sáng sủa, lí lắc và xinh xắn. Tuổi thơ anh là học hành và chơi đùa cùng chị gái. Chiều chiều 2 chị em ngồi trước hiên chờ mẹ đi chợ về. Tuổi thơ anh là mặc quần đùi đi chân đất bắn bi, đá cầu, tập kích bắn súng, chơi xe cùng bọn trẻ trong xóm. Tuổi thơ anh cũng có những đắng cay, tủi nhục mà chưa bao giờ dám thổ lộ với ai khi bị chính thầy giáo dạy đàn quấy rối tình dục.
15 tuổi, cái tuổi mà ai cũng đều nhận thức được giới tính sinh học của mình, còn riêng Py mơ hồ. Py cắt tóc tém cao để hai mái sụ sụ. Anh xếp những cái áo đầm xòe được chị sắm cho vào một góc và tự nhịn ăn để dành tiền mua bằng được cái áo, cái quần con trai như mình thích. Ngày được bố dắt tay vào ủy ban phường để làm chứng mình thư, anh e dè, sợ hãi.
Hành trình thay đổi bản thân của Nguyễn Hạnh Phúc
"Hai bố con tôi đi vào, chẳng ai để ý đến cái thân hình gầy đét nhỏ xíu của tôi làm gì, cho đến khi tôi bước lên và đối diện với chú công an. Ông ấy nhìn tôi, xong nhìn lại giấy khai sinh, và lại ngước lên nhìn lần nữa. 'Ủa? con trai hay con gái? Trong này ghi là con gái mà, sao lại để tóc ăn mặc kỳ vậy?', chú công an cười nắc nẻ hỏi. Cả căn phòng vài chục người cũng cười hùa theo. Nước mắt tôi rơi. Bố bước chậm đến nói ái ngại 'Con gái đó chú, nó thích để tóc vậy'". Những gì xảy ra trong ngày đi làm chứng minh thư này, Py kể là anh không bao giờ quên cảm xúc khi ấy.
Học cấp 3 là thời gian "hành hạ" anh nhất. Nữ sinh thướt tha trong tà áo dài, còn anh thì căm ghét điều đó. Không biết bao nhiều lần anh bị kiểm điểm vì mặc sai đồng phục của trường. "Quãng thời gian đó thật kinh khủng. Đối với tôi chưa có kiểu hành xác nào hơn cái kiểu mặc áo dài này cả", Py nhớ lại.
Cũng từ ngày ấy, anh bắt đầu "lớn", không còn là con bé Út gia đình gia giáo nữa. Anh bắt đầu tò mò tìm hiểu về giới tính của mình khi phát hiện mình yêu con gái. "Chỉ còn 2 tuần nữa là tôi thi cuối kỳ lên lớp 12, vậy mà tôi không vượt qua được sự cám dỗ ấy. Tôi đua xe, cúp học và yêu con gái. Tôi nghỉ học, mẹ đau buồn, bố trầm lặng, chị gái khóc vì không thể chấp nhận đứa em ngoan ngoãn ngày nào lại sai trái như vậy", Py kể. Và từ đây con đường trắc trở anh chọn bắt đầu.
17 tuổi, anh trở thành cô dâu. Cũng như các bậc cha mẹ khác, cha mẹ anh mong mỏi con mình sớm gặp được ý trung nhân và nên vợ nên chồng. Đã lỡ việc học rồi thì kiếm đại tấm chồng rồi ra nước ngoài cho xong một đời con gái, cha mẹ anh nghĩ như vậy. Nhất là khi biết con gái mình lạ thường, bố mẹ càng muốn anh nhanh chóng lấy chồng. "Mẹ hỏi tôi có muốn lấy chồng không? Lấy chồng sẽ được nhiều tiền nhiều vàng. Đối với tôi, lúc đó tiền là trên hết, tôi cần tiền để dẫn bạn gái đi chơi, để được gặp những người giống mình. Tôi đồng ý làm cô dâu, nhưng là cô dâu của mẹ", chàng trai nhớ lại.
Ngày gia đình tất bật xúng xính lễ hoa, anh cũng trang điểm, mặc áo lụa cô dâu, trong đầu chỉ nghĩ rằng ráng sau hôm nay mình sẽ được nhiều tiền và vàng. Xe hoa đến, chú rể Việt kiều cười hạnh phúc, anh bắt đầu cảm thấy bực dọc và bất an.
Ký ức của người đàn ông hôm nay luôn nhớ về thời khắc làm "cô dâu bỏ trốn" ngày ấy. "Ngày đó, gia đình tôi vừa vui mừng vừa lo lắng vì họ quá hiểu con gái của họ. Phía nhà trai thì không giấu được sự hân hoan với gia đình bề thế của tôi lúc ấy. Tiệc tùng xong, tôi được chị đưa lên phòng tân hôn. Tôi hỏi 'Chị ơi! Lên đây làm gì vậy? Không phải em về nhà ngủ với chị hả?'. Chị lắc đầu đáp 'Hôm nay ngủ ở đây, mai mới về với chị'. Một lần nữa tôi lại có cảm giác bị bỏ rơi ngay bên cạnh người thân của mình. Và rồi tôi bỏ chạy thục mạng ngay trong đêm tân hôn. Chú rể cũng bàng hoàng không hiểu tại sao tôi lại có thái độ và hành vi như vậy. Sau đó, gia đình tôi muối mặt trả lễ và xin lỗi bên kia. Lại một lần nữa tôi đem về sự sỉ nhục cho gia đình. Mẹ buồn và giận tôi. Bà buông xuôi".
Hình phạt cho anh ngày ấy là không được ra ngoài giao du bạn bè. Anh bị cô lập. Ngoài việc ghi nhật ký và nghe nhạc anh không biết làm gì hơn. Cứ thế, anh sống lay lắt ngay trong ngôi nhà cao tầng, "phòng giam" của anh ở lầu cao nhất để không phải đụng chạm ai. Thỉnh thoảng anh ngồi trên thành ban công, ngắm nhìn mọi người sống vội vã, trong lòng lại quặn thắt.
Py 18 tuổi, mẹ cho học nghề làm tóc nhưng không thành lại quay về học chữ. "Tôi như một người vừa mới được gội rửa. Tôi đi học lại, người ta học một lần lên lớp, tôi 4 lần học lớp 11. Không phải tôi học kém mà vì cứ thấy hình thể tôi như con trai mà lại là con gái nên mọi người trêu chọc. Tôi tức giận, đánh người ta nên bị đuổi học", anh Py nhớ lại.
Học xong cấp 3, anh quyết định không ở trong gia đình giàu có đầy đủ như một ông hoàng nữa vì cần tìm lại chính mình. Anh ra ngoài sống riêng, chạy xe ôm, bán đĩa dạo, đi chà gỗ, thậm chí làm đủ trò để mưu sinh. "Cứ thế ngày này tháng nọ năm qua, tôi loay hoay đi tìm chính tôi", anh nói.
Gia đình cũng dần nhìn nhận giới tính của anh. Và anh có người yêu. Anh quyết định quay lại theo nghề tóc, nung nấu ý định sau này sẽ mở salon tóc dành cho người như mình. Học thành tài mà xin việc chỗ nào cũng bị lắc đầu, anh tự mở tiệm tóc nho nhỏ nhưng tình cảm đổ vỡ nên nản chí buông xuôi tất cả.
Anh gặp người phụ nữ của đời mình một cách tình cờ, theo kiểu "10 năm không gặp tưởng tình đã cũ". Đó là cô gái ngày xưa cảm mến anh. Sau 10 năm cả hai đều có nhiều thay đổi và họ đến với nhau như duyên trời định. "Giữa hai con người trải qua quá nhiều sóng gió trong cuộc đời thì về với nhau là sự đồng cảm, sẻ chia và yêu thương nhau. Tôi trụ cột thì em là hậu phương vững chắc để có ngày hôm nay", anh Py nói về người vợ của mình.
Hiện nay cuộc đời của Py đã sang trang mới với một ngôi nhà xinh, một tình yêu lớn và một cô công chúa quấn quýt bên cạnh. Anh gây dựng lại salon tóc với logo cờ 6 màu của cộng đồng LGBT, nhằm khẳng định "tôi là như vậy đó, khách tôi cũng giống như tôi đó". Cuộc sống ổn định, anh bắt đầu quan tâm đến vòng một của mình, vì đã quấn ngực quá lâu. Hai năm trước anh đã phẫu thuật ngực nhờ sự động viên của bố mẹ và vợ con.
Nói gì với con gái về sự thay đổi ngoại hình của bố cũng là việc vô cùng khó khăn cho anh. "Con bé vô cùng tò mò khi mẹ 3 tuần lại tiêm hormone cho ba. Tôi chỉ biết lựa lời với con rằng 'vì ba nhỏ con quá, ba phải tiêm thuốc khỏe để có thể bảo vệ 2 mẹ con'", người đàn ông phải nói dối con.
Anh nói rằng, khi con lớn hơn, biết suy nghĩ và tự cảm nhận được, cả gia đình có thể cùng lắng nghe, chia sẻ, cảm thông nhau thì lời nói thật chưa bao giờ là muộn màng. "Ngày con bé còn ẵm trên tay, nó chả biết gì. Ngày con bé có thể cùng tôi đi dạo, ăn kem, nô đùa, nó cũng chả quan tâm gì. Ngày con bé bắt đầu cắp sách vào lớp 1, nó ngờ ngợ vì đôi lần người khác gọi tôi là 'chị'. Ngày con bé bắt đầu đặt những câu hỏi chỉ dành cho riêng tôi thì tôi biết rằng mình bắt đầu phải có sự giải đáp thích đáng cho con mình".
Nay con gái anh sắp vào lớp 4 và hoàn toàn tin tưởng bố là một người đàn ông tuyệt vời nhất có thể che chở cho con.
Sau ngần ấy năm tìm lại bản thân, nhiều lúc anh làm tổn thương ba mẹ, gia đình. Giờ đây, anh chỉ muốn gửi lời xin lỗi đến họ. Anh cũng muốn nhắn nhủ với mọi người rằng "chúng tôi là những con người hết sức bình thường". "Trót sinh ra phận ngang trái nhưng dù thế nào tôi vẫn là con của bố mẹ. Trong tôi luôn tự ti, có lỗi với tất cả. Thay vì mặc cảm tự ti, tại sao tôi không tự tin để được là chính tôi", anh Py nói.
Phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam thế nào