Họa sĩ Nguyễn Thu Hương nằm trong ban tổ chức triển lãm tranh quốc tế Màu nước và Hòa bình - đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Không chỉ tham gia vẽ trình diễn, chị còn lo phần lớn công tác hậu cần. Dù không có thời gian nghỉ ngơi, gương mặt chị lúc nào cũng rạng ngời. Họa sĩ tâm sự được làm việc yêu thích, năng lượng ở chị càng dồi dào thêm.

Nguyễn Thu Hương trong một lần trình diễn vẽ tranh tại TP HCM năm 2016. Ảnh: T.H
Đam mê vẽ từ bé, con đường đến với hội họa của Thu Hương lại nhiều khúc quanh. Có bố là một nhà báo mê hội họa, các anh em chị đều thích vẽ. Tuy nhiên, lúc thi đại học, chị không chọn ngành kiến trúc như anh trai, hay mỹ thuật như em gái mà chọn Luật - ngành học thời thượng những năm cuối 1990, đầu 2000 vì nghĩ dễ xin việc.
Ra trường, thay vì tìm việc với tấm bằng Luật thương mại, Hương lại dành một năm lang thang ở các gallery trung tâm TP HCM, rồi trở thành một nhân viên chép tranh. Sau đó, chị đi làm về hành chính nhân sự, rồi tổ chức sự kiện cho một ngân hàng cổ phần. Đến lúc này, chị nhận ra nếu không sống được với đam mê, nhiệt tình cho công việc hao hụt dần. Chị viết đơn xin nghỉ làm ngân hàng sau tám năm gắn bó, loay hoay thử sức ở một vài cơ quan. Để thay đổi, đầu năm 2012, Hương dốc hết tiền tiết kiệm, sang Singapore học quản trị marketing.
* Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Hương
Sau mấy tháng thất nghiệp, Hương vẽ được khoảng 30 bức sơn dầu. Được sự động viên của bố mẹ và bạn bè, tháng 3/2014, chị mở buổi trưng bày tranh nhỏ tại quán cà phê của một người bạn. Số tranh được nhiều người thích thú mua, bức rẻ nhất bán được hơn triệu đồng. Thậm chí, một nhà sưu tập người Anh đã mua hơn 10 bức.Thời gian du học, Hương làm thêm tại một cửa hàng tranh. Dù chỉ là phụ việc, mỗi ngày được ngắm nghía tác phẩm hội họa, chị thấy hạnh phúc. Ngày có tấm bằng, từ Singapore về nước, sếp cũ ở ngân hàng mời về làm việc, nhưng chỉ sau hai tháng, Hương dứt khoát nghỉ. "Tôi cần một thời gian tĩnh lặng để nhìn lại bản thân, ngẫm nghĩ về cuộc sống. Trong lúc rảnh rỗi ấy, tôi lôi màu và bút ra vẽ", Thu Hương kể.
Sự khởi đầu suôn sẻ khiến Hương quyết tâm theo đuổi giấc mơ họa sĩ ngày bé. Chị đăng ký tham gia các workshop của các họa sĩ Đông Nam Á. "Lúc đó, tôi thỉnh thoảng bán được một vài bức tranh, đâu đủ chi tiêu nên thường xuyên phải nợ thẻ tín dụng. Đang quen tiêu tiền, giờ phải chắt bóp, thấy bí vô cùng. Tuy nhiên, có workshop nào của các họa sĩ uy tín là tôi lập tức mua vé tham dự. Mỗi lần cầm bút vẽ, tôi quên hết những lo toan", Hương nhớ lại.
Không được học bài bản, Hương bù đắp bằng các khóa học ngắn hạn. Trong đó, có ý nghĩa với chị nhất là khóa học vẽ từ xa của Cao đẳng Nghệ thuật London (London Art College) kéo dài một năm. Khóa học này không chỉ dạy học viên cách vẽ mà còn dạy cách bán tranh.
Khi mới bước chân vào vẽ chuyên nghiệp, Hương vẫn cảm thấy mông lung với con đường tương lai nên đôi khi nản chí. Cùng lúc đó, em gái Hương đang sống tại Anh được giao làm trưởng chi nhánh Việt Nam của Hiệp hội Màu nước quốc tế (IWS). Cuối năm 2014, Hương xin tham gia IWS và chuyển sang vẽ màu nước. Với hoạt động tích cực của Hương cùng nhóm họa sĩ thuộc IWS Việt Nam, lần lượt ba triển lãm màu nước quốc tế được tổ chức tại TP HCM và Hà Nội, vào tháng 4/2015, 10/2017 và tháng 4 năm nay.

Thu Hương vẽ trình diễn tại triển lãm tranh quốc tế ở Tây An, Trung Quốc, năm 2018. Ảnh: T.H
Đến nay, Thu Hương có tranh triển lãm ở 26 quốc gia, cả châu Á, Âu và Mỹ. Năm 2017, chị được FACE (Tổ chức nghệ thuật, văn hóa, giáo dục) của Ấn Độ trao giải thưởng "International Women Leadership Award". Năm 2018, chị nhận giải thưởng Danh dự trong lễ hội lần thứ nhất Màu nước Cộng hòa Czech. Từ 2018, Hương là đại diện của màu nước Việt Nam cho Liên hoan Màu nước hàng năm Fabriano tại Italy.
Phong cách phóng khoáng nhưng có kỹ thuật, Hương vẽ khá nhanh. Chị thường chỉ mất nửa giờ cho một bức ký họa, khoảng hai giờ để vẽ một bức cỡ 30 x 40 cm và khoảng 20 giờ để hoàn thành một bức màu nước nguyên khổ giấy 56 x 76 cm. Tuy nhiên, cũng có những bức vẽ mãi vẫn không hài lòng, chị đành bỏ đi.
Anh Lê Hải Phong, một nhà sưu tập tranh tại Hà Nội, cho biết đã mua một số tranh phong cảnh và con người của Thu Hương, dù chị có thế mạnh với hoa và tĩnh vật. Anh Phong nhận xét tuy không học hội họa bài bản, Hương là một họa sĩ rất chăm chỉ với các bức vẽ có hồn, phong cách hiện đại nhờ chịu khó học hỏi từ các họa sĩ quốc tế.
Còn ông Atanur Dogan, chủ tịch IWS vẫn ấn tượng Hương là một trong những người tích cực phát triển màu nước tại Việt Nam. "Họa sĩ màu nước Việt Nam đa số trẻ và có nhiệt huyết mà Hương là một trong những người tiên phong", ông nói.
Kim Anh