Hai lần từ bỏ việc học và ý chí vươn lên, quyết không buông xuôi
Phạm Thị Như sinh ra trong một gia đình khó khăn ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Học hết lớp năm, Như đứng ngoài cửa lớp vì không có tiền đóng học phí. Nhìn bố mẹ với gánh nặng tiền bạc trên vai, nhìn ba người em bữa đói bữa no, thương gia đình, cô gái có vóc dáng nhỏ bé gác lại việc đến trường, lên huyện làm giúp việc để phụ giúp gia đình.
Lớn thêm một chút, Như càng nhìn rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với tương lai của các em. Cô cố gắng duy trì việc học nhưng các em càng lớn thì gánh nặng càng nhiều. Như phải dừng việc học hoàn toàn khi đang lớp chín. Nữ sinh Hà Tĩnh tự nhận chưa một khoảnh khắc nào được sống hồn nhiên, vô lo vô nghĩ như bạn bè cùng trang lứa nhưng vẫn dũng cảm đánh đổi tương lai để chăm lo tốt hơn cho các em, gánh vác trách nhiệm nuôi gia đình cùng cha mẹ.
Không lâu sau thời gian làm giúp việc, Như quyết định học may, trở thành công nhân may và chọn thành phố Đà Nẵng làm nơi dừng chân. Cô gái trẻ hàng ngày đi làm vất vả, tiết kiệm từng đồng gửi về cho ba mẹ và các em nhưng vẫn không ngừng suy nghĩ về tương lai, về điều bản thân thực sự mong muốn.
"Cuộc sống của tôi khi ấy ngày qua ngày không có gì thay đổi, quẩn quanh, lầm lũi sáng đi tối về. Khi đã chăm lo tạm ổn cho các em, tôi bắt đầu nghĩ về tương lai mình nhiều hơn, về mục tiêu lâu dài và con người mình muốn trở thành", Như giãi bày.
Cô muốn hòa mình vào sự phát triển của xã hội, muốn gặp gỡ nhiều người và trở nên tự tin, năng động hơn. "Khoảng giữa năm 2018, tôi nhận thấy ngành du lịch phát triển mạnh và mong muốn được hòa mình vào dòng chảy nhộn nhịp ấy. Lúc đó, tôi cũng chưa định hình được rõ ràng con đường sẽ đi, chỉ nghĩ là nếu muốn phát triển trong ngành này thì cần có vốn tiếng Anh tốt. Khi ấy, mục tiêu trước mắt của tôi là trở thành lễ tân khách sạn", Như nhớ lại.
Trong đầu hiện lên ý nghĩ "phải thử mới biết sức mình đến đâu", Như quyết định đi học tiếng Anh giao tiếp. Cô gái trẻ sáng đi làm, tối về đi học ở trung tâm vì mong có cơ hội thay đổi cuộc đời. Mặc cho xung quanh nhiều người nói cô mơ ước viển vông, khuyên cô an phận làm công nhân vì không biết dùng máy tính, tiếng Anh cũng không.
Cô công nhân may năm ấy bỏ qua những tiếng bàn tán, khuyên ngăn vây quanh, tin tưởng "mình có thể", từng bước kiên trì học tiếng Anh và đăng ký đi học thêm tin học. Một lần nữa, cô được quay trở lại với con đường học tập. Cuộc sống đầy hy vọng mở ra khiến cô lạc quan và thêm quyết tâm.
Học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi
Khi bắt đầu học tiếng Anh, Như chuẩn bị cho mình tư duy tích cực, chủ động trong học tập. Cô gái trẻ nghĩ "học để tiến bộ nên không sợ sai, không ngại mắc lỗi, không làm bài tập với tư duy trả bài mà tự học, tự luyện tập thật nhiều để tốt hơn".
Như theo học tại Ms Hoa Giao Tiếp và kiên trì học với lộ trình mà thầy cô định hướng, không đốt cháy giai đoạn để tránh bị hổng kiến thức. "Phương pháp phản xạ truyền cảm hứng tại trung tâm giúp tôi ghi nhớ từ vựng ngay tại lớp mà không cần tốn quá nhiều thời gian học lại tại nhà với sách vở. Cô giáo hướng dẫn tôi tạo phản xạ liên tục với vòng lặp hỏi - phản xạ - hỏi - phản xạ để khắc sâu kiến thức đã được học và ứng biến thật nhanh khi gặp các câu hỏi này trong cuộc sống", Như cho biết.
Việc học tiếng Anh giao tiếp của Như không bó hẹp trong phạm vi lớp học cùng thầy cô, bạn bè mà cô gái trẻ luôn dành thời gian ngoài giờ học để tự học, tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Chẳng hạn, có những chủ đề Như chỉ học 15-20 từ vựng trên lớp nhưng cô tìm trên mạng và học thêm nhiều từ khác có liên quan để mở rộng vốn từ theo chủ đề, giúp việc giao tiếp dễ dàng hơn.
"Tôi tự quay clip và luyện nói tiếng Anh mỗi ngày, rồi gửi clip cho những người bạn giỏi tiếng Anh để bạn góp ý, giúp khắc phục lỗi sai. Tôi còn làm phục vụ ở nhà hàng nước ngoài để tận dụng cơ hội giao tiếp, trò chuyện với người nước ngoài, bắt chước ngữ điệu và phát âm tiếng Anh của họ để nói tốt hơn", Như kể về hành trình rèn luyện giao tiếp tiếng Anh của bản thân.
Cô gái trẻ luôn học với tư duy phải thử, tìm kiếm mọi cơ hội để thử, để rèn luyện kỹ năng. Thêm nữa, "học với mong muốn tiến bộ từng ngày khiến tôi không bị áp lực, không so sánh mình với người khác mà chỉ tập trung vào sự phát triển của bản thân, để ngày hôm nay tốt hơn hôm qua", Như chia sẻ.
Cuộc sống sang trang mới nhờ giao tiếp tiếng Anh tốt
Cơ hội tiếp nối cơ hội khi Như bắt đầu thay đổi để bước đi trên hành trình mới. Sau sáu tháng kiên trì rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, Như đã nói tiếng Anh trôi chảy và chính thức trở thành nữ lễ tân khách sạn bốn sao bên bờ sông Hàn Đà Nẵng.
Không dừng lại ở đó, Như tình cờ thấy trên Facebook video về hành trình thực tập hệ vừa học vừa làm của một đơn vị đào tạo lễ tân chuyên nghiệp tại Singapore. Cô nàng không chần chừ ứng tuyển ngay sau đó. Trải qua ba vòng phỏng vấn khắt khe bằng tiếng Anh, vượt qua nhiều ứng viên, cô vui mừng cầm trên tay tờ thông báo trúng tuyển.
Nhìn lại quãng thời gian phấn đấu, cố gắng thay đổi để sống khác đi, cô thấy bản thân như được sống lại, trở thành con người hoàn toàn khác - vui vẻ, cởi mở, dễ giao tiếp và kết nối với người khác. Thêm nữa, cô cũng không còn thấy nuối tiếc quãng đời học sinh từng bỏ dở trước kia.
Cô công nhân ít nói, khép mình, ngày ngày chỉ ngồi đạp máy may trước kia giờ đã trở thành cô lễ tân tươi tắn, hay cười, yêu thích giao lưu, gặp gỡ mọi người. "Mọi thứ đều thay đổi khi suy nghĩ của mình thay đổi. Cơ hội và mối quan hệ rộng mở hơn, tôi không còn cô độc như trước. Tôi thấy bản thân đã nỗ lực để tiến từng bước, tuy chậm nhưng chắc. Càng đi về phía trước, tôi càng thấy đường rộng thêm, giờ đây tôi có thể tự tin đón nhận những cơ hội công việc mà trước đây mình từng khao khát", Như hào hứng nói về cuộc sống mới.
Cũng theo cô gái Hà Tĩnh, tiếng Anh giống như cây cầu, giúp cô kết nối trở lại với bản thân để tìm ra con đường muốn đi, mục tiêu cần theo đuổi - những điều cô đã bỏ lỡ nhiều năm vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Việc học tiếng Anh chính là bước đệm để cô tìm ra ước mơ, là công cụ để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Hiện tại, do tình hình dịch bệnh nên Như chưa thể sang Singapore thực tập và học hành. Như dự định sẽ tiếp tục công việc lễ tân khách sạn và đợi thời điểm thuận lợi để thực hiện kế hoạch thực tập theo hệ vừa học vừa làm tại quốc đảo sư tử. Cô gái trẻ mơ ước trở thành quản lý khách sạn, tận dụng thời gian học hỏi ở nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ, mở mang tầm mắt.
Đất miền Trung không mưa thuận gió hòa, lũ lụt hạn hán năm nào cũng cuốn qua, chính vì thế "phù sa" màu mỡ nhất chính là ý chí con người. Phạm Thị Như - người con miền Trung đã không buông xuôi để cuộc sống trôi đi vô nghĩa, cô đã bắt đầu hành trình mới với ý nghĩ "phải thử" và từng bước đạt những mục tiêu nhỏ để tiến gần đến ước mơ.
Mỹ Linh