Nhà chồng Nguyễn Thị Thu Hoa là một trong bốn, năm gia đình của huyện Thanh Sơn làm thịt chua - món ăn dân dã của người Mường.
Các gia đình làm món này theo kinh nghiệm, trộn nguyên liệu theo bốc, nắm, nên những hộp thịt làm ra có hương vị không đồng nhất. Năm 19 tuổi, Hoa bắt đầu làm nghề, thuê cửa hàng và vài người làm cùng để "có cái ăn, cái mặc".
"Tôi muốn tạo ra một món thịt chua theo công thức của riêng mình và bán khắp vùng chứ không chỉ khách gần nhà'', cô nói.
Có điều, tìm ra công thức cho món thịt chua không đơn giản. Hàng ngày, cô dậy từ 4h sáng ra chợ chọn thịt rồi hì hụi thử nghiệm. Nhưng hàng chục lần thử Hoa vẫn không tìm ra bí quyết.
"Nó phải bỏ không biết bao nhiêu thịt", bà Bích Hồng, 55 tuổi, mẹ Thu Hoa kể. Thất bại nhiều đến mức có lần Hoa bế con chạy đến khóc với mẹ. Bà Hồng động viên "phải cố chứ không làm lấy gì mà ăn".
Bà Ngọc Thị Nhị, 58 tuổi, người làm công cho Thu Hoa 13 năm kể, nhiều hôm Hoa thức trông con, gần sáng quên không lấy thịt ra đúng giờ làm cả thùng 15 kg phải đổ bỏ. "Nhìn nó ôm thùng thịt hỏng khóc vì thất vọng, tiếc tiền, vừa thương vừa xúc động", bà Nhị nhớ lại.
Ban đầu động viên con nhưng thấy đổ đi quá nhiều thịt, bà Hồng xót, khuyên làm bán như trước đây để "lo cơm áo gạo tiền, đừng mơ ước cao sang". Nhưng nhìn mẹ tần tảo, nhìn con gái đang lớn, Hoa lại nghĩ cần cố thêm một tí.
Sau hơn hai năm thử nghiệm, năm 2013, Thu Hoa tìm ra được công thức sản xuất hàng loạt có chất lượng, hương vị đồng nhất và có thể bảo quản hai tháng trong điều kiện tự nhiên.
Có công thức, cô chuyển sang giai đoạn cải tiến máy thái, máy trộn thịt và nghĩ ra cách chế tạo máy đóng gói. "Tôi viết ra quy trình, kích thước miếng thịt thái bao nhiêu, cách trộn thế nào rồi thuê thợ làm", Thu Hoa kể.
Công thức và quy trình hoàn thiện, món thịt chua của cô gái cũng được nhiều người chọn đặt mua hơn. Bà chủ trẻ thuê đến 30 người làm. Thịt chua chủ yếu bán cho các quán nhậu nên những ngày nắng, khách đặt ồ ạt, chủ và thợ làm cả đêm không kịp giao. Cô huy động thêm người tăng ca, nhưng vài ngày sau, trời mưa, hàng ế, không có kho đông lạnh nên phải mang cho. Có đợt Thu Hoa phải đổ hàng trăm cân thịt, mất hàng chục triệu đồng, bằng lợi nhuận làm cả tháng.
Biết làm manh mún không thể bền, năm 2016, Thu Hoa vay tiền mua đất xây nhà xưởng, kho đông lạnh, phân bổ phòng ban, thành lập công ty mang thương hiệu riêng của mình. Lợi nhuận tăng đều từng tháng.
"Mọi người nghĩ không thể tìm ra công thức riêng cho thịt chua nhưng tôi đã làm được. Họ bảo không thể cải tiến máy móc, tôi cũng đã làm được. Tôi trở nên tự tin, làm gì là lao đến cùng, ai cản cũng không nghe", nữ giám đốc kể.
Năm 2018, thương mại điện tử phát triển, Thu Hoa chi một tỷ đồng ký hợp đồng marketing online với một doanh nghiệp, dù không biết viết content là gì, không biết tương tác nghĩa là thế nào. Làm được nửa năm, công ty mất trắng 400 triệu đồng mà không có thêm khách hàng, phải dừng hợp đồng.
Nữ giám đốc bị sốc, stress nên phải lên chùa tĩnh tâm. Vào chùa, cô chỉ ở trong phòng kín suy nghĩ. Thu Hoa nhận ra từ tìm công thức thịt chua cho đến cải tiến máy móc, cô đều học từ thứ nhỏ nhất. Nhưng lần này, cô sai lầm khi chưa biết gì về marketing online mà đã đầu tư số tiền quá lớn.
Rời chùa, Hoa đăng ký các khóa học để có kiến thức cơ bản. Lần tự học từ đầu này lại phát huy tác dụng, thương hiệu thịt chua của Thu Hoa vượt khỏi Phú Thọ, được nhiều tỉnh miền Bắc biết đến. Từ xưởng sản xuất tại gia chỉ vài người làm, nay công ty của Thu Hoa có khoảng 100 nhân sự, gần 5.000 điểm bán lẻ. Doanh thu tăng mỗi năm, lên đến hàng tỷ đồng, kể cả trong giai đoạn dịch Covid.
Năm ngoái, người phụ nữ Mường lên truyền hình gọi vốn từ các chủ đầu tư. Thương hiệu thịt chua của cô gái trẻ xinh đẹp, nói năng lưu loát, tự tin thương lượng với các chủ đầu tư được nhiều người biết đến hơn. Sau chương trình, Thu Hoa mở thêm hai văn phòng công ty tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đưa thương hiệu thịt chua của mình đi khắp mọi miền như ước mơ năm 18 tuổi.
"Ở huyện Thanh Sơn, phụ nữ khởi nghiệp ở tuổi 18 rất hiếm và để thành công lớn thì chắc có mỗi Thu Hoa", bà Lỗ Quỳnh Nga, chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thanh Sơn, nói.
Ở tuổi 30, khi người trẻ khác mới bắt đầu khởi nghiệp, Thu Hoa đã có được sự nghiệp vững vàng, một tổ ấm và có điều kiện bù đắp cho mẹ sau những thiệt thòi. Cô thường xuyên tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, làm động lực cho những người trẻ dám ước mơ và kiên trì vượt qua thử thách.
Đầu năm nay, cô có tên trong danh sách đề cử 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
"Nhiều người dùng phần lớn thời gian, sức lực để làm những việc họ không thích, để rồi đêm lại mơ về những thứ họ dự định nếu có đủ thời gian, đủ vốn, đủ kinh nghiệm. Với những người như vậy, tôi hay hỏi họ 'bao nhiêu là đủ?'", Hoa chia sẻ.
Với cô, giấc mơ không phải là thứ chúng ta thấy khi ngủ. Giấc mơ là những điều mà không cho phép ta ngủ, như Thu Hoa từng bao đêm thức trắng bên những mẻ thịt chua.
Phạm Nga