Bắt đầu đạp xe từ tháng 12/2021, Ngọc Linh, 32 tuổi, đang sống tại TP HCM, coi chiếc xe là người bạn đồng hành không thể thiếu trong các chuyến đi. Hồi tháng 3, Linh đã vượt Mã Pì Lèng tại Hà Giang (cao 1.500 m, dài 20 km) và tháng 9 vừa qua, trong hành trình ngắm mùa lúa chín Tây Bắc, cô chinh phục thành công Khau Phạ (Yên Bái) và Ô Quy Hồ (Lai Châu - Sơn La). Cuối năm, mục tiêu kế tiếp của Linh là hướng đến là đèo Pha Đin ở Điện Biên, cao hơn 1.600 m và dài 32 km.

Linh chụp ảnh lưu niệm trong hành trình chinh phục đèo Khau Phạ.
Đáp chuyến bay đến Hà Nội giữa tháng 9 cùng nhóm đạp xe, Linh rất háo hức chờ đợi những điều thú vị. Đây là thời điểm được cho là mùa vàng Tây Bắc. Mục tiêu của những người trong nhóm Linh ra Bắc là đạp xe kết hợp ngắm lúa vàng trên các thửa ruộng bậc thang. Riêng Linh, những cung đường gồ ghề uốn lượn hiện ra trong đầu, khiến cô có chút lo sợ mà cũng đầy phấn khích.
Lịch trình đạp xe sẽ đi qua 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La, theo chặng Suối Giàng - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải - Ngọc Chiến - Sa Pa.
Từ Hà Nội đi Mù Cang Chải, nhóm 23 người theo lịch trình thăm đồi chè Suối Giàng, nơi có nhiều cây chè shan tuyết cổ thụ, tuổi thọ 400 năm. Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, được ví như Sa Pa, Tam Đảo bởi khí hậu trong lành, mát mẻ. Cả nhóm thưởng trà và nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một chặng hành trình dài tầm 3 tiếng đến thị xã Nghĩa Lộ và nghỉ đêm.
Ngày hôm sau, Linh cùng các bạn đồng hành xuất phát từ 6h, mặc dù mưa tầm tã, ai nấy vẫn đều quyết tâm chinh phục đèo Khau Phạ (cao 1.200 m dài 30 km) thành công. Linh đạp xe trong tình trạng toàn thân ướt nhẹp, giày ướt rồi lại khô.
"Cuối ngày, đoạn đường thử thách hơn, các con dốc xuất hiện ngày càng nhiều, làm không ít người cảm thấy choáng vì có dốc tầm 20 độ. Mình bị cận gần 10 độ, nhiều đoạn không thấy đường nên đôi lúc hốt hoảng", Linh kể và cho hay đã có lúc lầm bầm cầu khấn để bình an về đến homestay.
Trong nhóm có bác trên 60 tuổi không quen đạp xe địa hình đèo dốc, Linh phải hộ tống vì bác không dám thả dốc. Cứ thế cả hai dìu nhau đi hết con đèo. Trời mưa làm giảm bớt cái nóng nên mọi người cũng có cảm giác đỡ mệt hơn.
Chinh phục đèo Khau Phạ thành công. Cả nhóm ăn mừng bằng một buổi tối đậm chất Tây Bắc gồm canh bí đỏ, nộm hoa chuối, gà bản nướng, cá nướng, bò xào lá lốt, lợn băm lá vả hấp, và thêm rau cải chấm trứng. Không khí vui tươi khiến tất cả quên đi chặng đường gian nan mới vượt qua bằng xe đạp.

Đồi mâm xôi ở La Pán Tẩn, Mù Cang Chải.
Sau một ngày dài, toàn thân Linh bắt đầu nhức mỏi đến mức cô không nhấc người lên được, đặt lưng xuống là ngủ mê mệt đến sáng. Tuy vậy, sáng hôm sau, cô lọ mọ thức dậy sớm hơn mọi người để rửa xe, háo hức đón chờ một ngày mới vào đồi "mâm xôi" La Pán Tẩn, với khoảng cách từ nơi ở chừng 40 km.
Đường đến đây chật hẹp, dốc cao và nhỏ, rất đông xe máy do đang cao điểm du lịch, trời mưa rả rích. Là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Mù Cang Chải, đồi mâm xôi La Pán Tẩn luôn biết cách hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp yên bình đầy chất thơ. Tháng 9, mùa lúa chín khiến Linh và những người bạn đồng hành như lạc vào biển vàng rực rỡ. Những phút giây thảnh thơi, ngắm nhìn núi rừng trùng điệp, thác nước hùng vĩ hay những bản làng thơ mộng là những kỷ niệm đẹp mà Linh đến giờ còn nhắc mãi.
Rời homestay ở Ngọc Chiến (Sơn La), ngày thứ tư chào đón cả nhóm đạp với cung đường khúc khuỷu ngoằn nghèo trong thời tiết nóng bức, không có một cơn mưa như ba ngày trước đó. Từ đêm hôm trước, cô đã nôn nóng chờ đến ngày chinh phục đèo Ô Quy Hồ (cao 1.900 m, dài 50 km). 10h, xe tải chở xe đạp và ôtô chở người di chuyển đến chân đèo để cả nhóm bắt đầu đạp.
Linh cứ đạp với tốc độ tầm 10 km/h. Đèo khá dốc và không có bóng mát trên đường. Cô gần như bị mê sảng vì còn thấm mệt sau ba ngày mắc mưa. Cô vừa đạp vừa dừng nghỉ ít phút. Mỗi lần nhìn bóng mát nào dù tạm bợ là cô vội lao vào trú chân. Những người khác không thể tiếp tục ngồi nghỉ ngơi trên xe tải chở xe đạp của cả nhóm. "Có những lúc tôi đã nghĩ, mình đi thế này, nếu có chuyện gì không biết gọi ai giúp đỡ", Linh kể.
Linh cho rằng đèo Ô Quy Hồ thử thách và nguy hiểm hơn Khau Phạ nhiều. Đường dài hơn, dốc hơn. Các khúc cua "cùi chỏ" như những con đường ở Hà Giang. Đã chinh phục đèo Mã Pì Lèng rồi Linh tự trấn an phải giữ tâm bình tĩnh mà đạp, không được bỏ cuộc. Mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, những tia nắng gắt làm da mặt cô bỏng rát. Uống rất nhiều nước nhưng Linh vẫn cảm thấy hoa mắt. Cô nhắm mắt đạp đến chiều. Về homestay, cô gần như kiệt sức. Trong lịch trình đạp của cả nhóm, đây là ngày ác mộng nhất. Còn Linh mỉm cười mãn nguyện vì đã chinh phục được đèo Ô Quy Hồ thành công. 16h, cả nhóm mới bắt đầu ăn bữa trưa.

Đèo Ô Quy Hồ nhìn từ trên cao.
Sáng hôm sau, ngồi nghỉ ngơi thư giãn bên dòng suối cạnh homestay sau bốn ngày đạp xe giữa đủ mọi điều kiện thời tiết, Linh thấy thư giãn và cảm giác thích thú vì hoàn tất những trải nghiệm đáng nhớ, thầm thán phục bản thân vì đã quyết tâm đến cùng. Trong khung cảnh bình yên, thoang thoảng mùi cỏ dại, cô nghĩ giá mà những ngày này dài ra thêm chút nữa.
Mỗi thời điểm trong năm, "Tứ đại đỉnh đèo" đều mang một nét đẹp riêng. Thời tiết mỗi mùa cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, cũng chính là mùa khô ở Tây Bắc. Linh chia sẻ kinh nghiệm, nếu đi xe đạp, cần phải tập thể lực thật tốt, chuẩn bị giày chất lượng, thuốc chống côn trùng, áo khoác dài tay... Bạn nên đặt homestay tại những nơi thuận tiện, có cảnh đẹp để tái tạo sức lực. Các homestay ở Tây Bắc giá tầm 600.000 đến 1,2 triệu đồng một phòng. Nếu xuất phát từ các tỉnh phía Nam, lưu ý khoảng thời gian để đặt vé máy bay ra Hà Nội cho phù hợp. Đến Yên Bái, đừng quên thử qua cốm xanh Tú Lệ, một thức quà sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Thanh Thu
Ảnh: NVCC