Đây là cuộc mổ phức tạp và can thiệp nhiều nhất trong hành trình tái tạo gương mặt của Ninh Thị Thu Hường, 23 tuổi. Cô phải gọt hàm, ghép xương chậu để sửa lại khiếm khuyết, giúp khuôn mặt đầy đặn hơn. Tuy nhiên, bác sĩ tiên lượng đây là ca bệnh khó, bệnh nhân bị thiếu máu nặng, rất nhiều nguy hiểm. Song, ước mơ một khuôn mặt bình thường tiếp thêm cho cô động lực.
"Chỉ cần có một nửa cơ hội, mình cũng muốn thử, thay vì sống với gương mặt này cả đời", Hường nói, hôm 28/4.
Năm ba tuổi, Hường, ở Thường Tín, mọc một khối u nhỏ dưới mang tai. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình đưa cô về nhà chữa thuốc nam. Ba năm sau, khối u xương hàm to lên, buộc phải phẫu thuật, tỷ lệ sống 50 %. May mắn, khối u lành tính. Tuy nhiên, ca mổ để lại di chứng nặng nề, khiến gương mặt Hường bị biến dạng, lõm sâu kèm vết sẹo dài.
"Kể từ đó, cuộc đời tôi sa vào bi kịch, liên tục bị bạn bè trêu chọc, hắt hủi, gần như không có tuổi thơ", Hường nói. Cô bị bạn bè chê cười, trêu chọc, đặt cho biệt danh "méo mồm", "mặt lõm". Khi ra đường, cô bịt kín mặt. Bị phát hiện, Hường rụt người lấy tay che mặt, nhiều lần muốn bỏ học vì bị kỳ thị.
Kiên trì học hết cấp ba, Hường đi làm công nhân nhưng vẫn không thoát khỏi sự miệt thị của mọi người. Cô quyết tâm để dành tiền để phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi cuộc đời.
U xương hàm là bệnh lý khá phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Các tài liệu trên thế giới cho thấy, nhóm dân số da trắng có u xương khẩu cái khoảng 10-15%. Các nghiên cứu trên nhóm dân số châu Á khác cũng cho thấy tỷ lệ mắc u xương hàm khá cao từ 40% đến 60%.
Nguyên nhân dẫn tới mắc u xương hàm vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ u xương hàm như chấn thương tại chỗ, chế độ ăn uống thiếu vitamin và canxi, sử dụng thuốc chứa phenytoin kéo dài.
U xương hàm trên hoặc u xương hàm dưới thường không có triệu chứng mà chỉ được phát hiện tình cờ khi thăm khám. Những trường hợp u xương lớn có thể cản trở việc lắp đặt răng hoặc hàm giả, rối loạn giọng, loét bề mặt, ăn uống khó, chứng rối loạn tâm lý sợ ung thư. Các triệu chứng trên thường không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng thẩm mỹ, sức khỏe và tâm lý của người bệnh.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa u xương hàm tối ưu. Nhưng đây là bệnh lý lành tính và tiến triển chậm. Người bệnh cần theo dõi sự phát triển của u xương và can thiệp khi có triệu chứng.
Tháng 7/2023, Hường bắt đầu tìm hiểu về thẩm mỹ để có khuôn mặt bình thường. Tình cờ, cô đọc thông tin về chương trình phẫu thuật miễn phí tại một bệnh viện thẩm mỹ tại Hà Nội. May mắn, hồ sơ của cô được lựa chọn. Tuy nhiên, bác sĩ bệnh viện này cho rằng đây là ca bệnh khó, phải nghiên cứu chuyển vạt da phía trên đầu xuống phần khuyết lõm, kết hợp vạt da ở vùng mông đưa lên, lấp đầy phần khuyết. Để gương mặt cân đối hơn, bác sĩ phải phẫu thuật chỉnh hàm, ghép xương. Ngoài ra, Hường bị thiếu máu nặng, bác sĩ phải cân đối để đảm bảo an toàn cho cô trong suốt quá trình phẫu thuật.
Ngày 28/8, Hường thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên, ghép mỡ mông lên mặt để làm đầy vùng khuyết thiếu. Lần đầu vào phòng mổ, cô gái lo lắng, được các y bác sĩ động viên, hỗ trợ tinh thần. Sau hai tuần, vạt mỡ đó sống tốt, thành công "vượt kỳ vọng".
Ngày 9/10, bác sĩ tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật cấy mỡ mặt, cải thiện các hốc lõm, nếp rãnh. Một tháng sau, Hường tiếp tục vào phòng mổ, phẫu thuật chỉnh hàm lệch, cấy mỡ dặm ở cổ. Với cô, đây là cuộc mổ ám ảnh, phải gây mê trong thời gian dài nên đuối sức nhất.
Bác sĩ tỉ mỉ bóc tách, cắt bỏ toàn bộ bờ dưới xương hàm và phần cằm để di chuyển từ bên trái sang bên phải. Sau đó, kíp tiếp tục ghép xương chậu bờ hàm để khôi phục phần mặt biến dạng và ghép mỡ để phần hàm được đầy đặn hơn.
Hai tháng sau, Hường thực hiện ca mổ cuối, ghép trung bì mông góc hàm trái, cấy mỡ mặt phải, khắc phục đến 90% lõm hóp. Sau tháo băng, cô nhìn thấy phần mặt bị lõm đã tròn đầy, góc nghiêng không bị dị dạng. Ngắm mình trong gương, cô nói mình như được "tái sinh lần nữa".
Tháng 4 năm nay, khi gặp Hường, bạn bè bất ngờ trước thay đổi của người phụ nữ. Hường tự tin, cười nhiều hơn sau phẫu thuật. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tái khám định kỳ 3-6 tháng một lần để theo dõi sự hồi phục sau cuộc mổ.
"Chúng ta không có quyền lựa chọn hình hài khi sinh ra nhưng có quyền chọn cách sống. Thật may là tôi không từ bỏ để có được quả ngọt này", Hường nói.
Thùy An