Tên sách: Cô gái Không Là Gì
Tác giả: Tomek Tryzna
Dịch giả: Lê Bá Thự
Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 4/2013
Đây là thiên tiểu thuyết viết về xã hội Ba Lan hồi những năm 80 của thế kỷ trước, khi đời sống của người dân thời bao cấp còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Tiểu thuyết cho thấy các cô gái tuổi học trò, cụ thể là tuổi mười lăm, đã manh động, thậm chí điên rồ, "hết khôn dồn đến dại" theo kiểu "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" như thế nào khi đi tìm những khoảnh khắc "nhận biết bản thân" mà theo họ "mình được là mình thật sự".
Cuốn sách dày 450 trang, gồm hai phần gần bằng nhau, viết ở ngôi thứ nhất, xưng tôi. Phần một viết về tình bạn giữa Marysia và Kasia, một tình bạn mà Marysia những tưởng vững bền mãi mãi, nhưng không phải vậy. Phần hai viết về tình bạn giữa Marysia và Ewa giàu có, người đã nhấn chìm Marysia trong vũng bùn hư đốn, cho Marysia nếm mùi giàu sang để rồi trở thành đứa con hư, không thèm ngó ngàng gì đến gia đình. Trong phần hai của tiểu thuyết, Marysia không còn là Marysia nữa. Cùng với việc thay đổi xoành xoạch tên mình, tính nết của cô cũng không ngừng thay đổi. Rốt cuộc, do thiếu bản lĩnh, sống buông thả và học đòi, Marysia từng bước mất phương hướng, tự đánh mất mình để rồi đến phần cuối của tiểu thuyết chẳng còn là Marysia ngây thơ, trong trắng lúc ban đầu. Đoạn cao trào của tiểu thuyết chính là lúc Marysia giật mình phát hiện ra sự thật những gì Kasia và Ewa nghĩ về mình, khi hai cô bạn đang cười khúc khích bàn tán về Marysia, nhạo báng, khinh thường Marysia vô tích sự, thậm chí gọi Marysia là "Cô gái Không Là Gì". "Không Là Gì" là biệt danh của Marysia do Kasia và Ewa gán cho.
Trượt dài trên con dốc tự đánh mất mình, Marysia đã thất bại, không thể tìm lại chính mình, không thể "tự sinh ra mình" được nữa. Bi kịch này được diễn tả bằng phép tu từ ở đoạn kết của tiểu thuyết. Sau khi nhảy từ ban công tự tử, Marysia có cảm giác trong bụng cô đang có một thai nhi, thai nhi "nhiệt tâm", song thai nhi này không thể ra đời. Đứa con "nhiệt tâm" trong bụng bảo rằng, chẳng thể vãn hồi tính nết cũ được nữa rồi: "Sao lại có sự sinh nở không bao giờ sinh nở, mặc dầu luôn luôn sinh nở và sinh nở, muôn đời chống chọi với nhiệt tâm dâng trào". Cách kết thúc câu chuyện của tác giả khiến người đọc sau khi đã gập cuốn sách lại rồi vẫn còn bùi ngùi, xót xa, vẫn còn suy nghĩ khôn nguôi.
Có thể nói, Cô gái Không Là Gì là lời cảnh cáo, là bài học đạo đức đắt giá cho tuổi học trò. Bức thông điệp mà tiểu thuyết muốn gửi tới các bạn trẻ là: Tuổi mười lăm đẹp như trăng rằm, nhiều đam mê, lắm mộng mơ, nhưng cũng đầy cạm bẫy, dễ tin và dễ vỡ, và xin các bạn đừng tự đánh mất mình. Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm là cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu mà lắm khi có vẻ như chúng là hai trong một. Thiên tiểu thuyết này - thiên tiểu thuyết tự làm mới mình, giàu kịch tính và nhiều cảm xúc, đầy nét trẻ trung và hồn nhiên của tuổi học trò, đậm chất giả tưởng và nhiều yếu tố thần thoại, hoang đường, hư hư thực thực đan xen dày đặc - đã miêu tả rất thành công những tâm tư, tình cảm, nghĩ suy, điểm mạnh, điểm yếu và những bí ẩn của tuổi mới lớn.
Cô gái Không Là Gì là tiểu thuyết chẳng những dành cho tuổi học trò, những người đồng trang lứa với các nhân vật chính của truyện, mà còn dành cho cả người lớn, khi đề cập cả những vấn đề của họ nữa. Trả lời câu hỏi về điều này, nhà văn Tomek Tryzna khẳng định, ông không muốn tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì đi theo lối mòn xưa cũ, đó là, viết cho trẻ con chỉ dành cho trẻ con đọc, viết cho người lớn chỉ dành cho người lớn đọc.
Đánh giá cao tiểu thuyết này, Czeslaw Milosz, nhà thơ lớn của Ba Lan và thế giới, giải Nobel 1980, đã nói: "Cô gái Không Là Gì là thiên tiểu thuyết hậu hiện đại thật sự đầu tiên của Ba Lan". Tiểu thuyết đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng khác nhau trên thế giới, như Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Australia, Brazil, các nước Tây Âu... và là sách bestseller ở Ba Lan, Hà Lan, Bungaria, Đức... Đặc biệt Cô gái Không Là Gì đã được dựng thành bộ phim truyện dài 98 phút, do đạo diễn nổi tiếng người Ba Lan - Andrzej Wajda - thực hiện. Anna Wielgucka đóng vai Marysia, Anna Mucha đóng vai Kasia và Anna Powierza đóng vai Ewa. Nữ diễn viên Anna Wielgucka đã được nhận giải thưởng Diễn viên trẻ triển vọng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin. Việc tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì lọt vào mắt xanh của hai cây đại thụ văn học và điện ảnh Ba Lan và thế giới - Czselaw Milosz và Andrzej Wajda - cho thấy tầm cỡ của tác phẩm này. Tiểu thuyết cũng đã được IBBY Ba Lan bình chọn là Cuốn sách của năm (1994). Theo quy định của Bộ Giáo dục Quốc dân Ba Lan, Cô gái Không Là Gì là một trong sáu cuốn sách đọc bắt buộc đối với học sinh lớp III (tương đương lớp 9 của Việt Nam) tại các trường Trung học cơ sở ở Ba Lan, trong trong niên học 2012 - 2013, chứng tỏ giá trị giáo dục của thiên tiểu thuyết này.
Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam đã quyết định chọn bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì của dịch giả Lê Bá Thự làm tác phẩm văn học Ba Lan giới thiệu trong thời gian Những ngày văn học châu Âu, sẽ tổ chức tại Hà Nội vào 17 - 18/5 tới.
Linh Nga