Giống như nhiều người gặp vấn đề về nghe khác, Zheng, quê Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, từ nhỏ đã phải nỗ lực rất nhiều để trở nên "bình thường" trong mắt người xung quanh. Năm 2 tuổi, Zheng mắc hội chứng cống tiền đình lớn (một dị tật ở tai trong do di truyền), khiến khả năng nghe suy giảm.
Được bố mẹ khích lệ, Zheng học tiếng Quan thoại, tập nghe đài và rèn phát âm với âm thanh lớn nhất. Zheng học đọc môi (lip-read - kỹ thuật hiểu lời nói bằng cách diễn giải trực quan các chuyển động của môi, mặt và lưỡi khi âm thanh bình thường không có sẵn). Lớn lên, Zheng đeo thiết bị trợ thính, đến trường bình thường học.
Năm 1998, Zheng là một trong số ít sinh viên khiếm thính dự gaokao, kỳ thi vào đại học có tính cạnh tranh khốc liệt nhất Trung Quốc. Cô đỗ đại học, trở thành sinh viên ngành văn học và ngôn ngữ tiếng Trung của đại học danh tiếng Vũ Hán.
Zheng thấy "kiệt sức" khi phải giả vờ là người thính. Cảm giác này ngày càng trở nên tồi tệ và đeo đẳng cô. "Nhiều người điếc dùng ngôn ngữ nói, nhưng họ không thể nghe được người khác nói một cách rõ ràng. Không có sự gắn kết nào giữa họ", Zheng chia sẻ.
19 tuổi, Zheng bắt đầu hành trình tự khám phá. Cô học dùng mạng và lập tài khoản CnDeaf, diễn đàn online hỗ trợ những người gặp vấn đề về nghe. Ở đây, nữ sinh quen một người bạn có biệt danh "Three Stones", lớn hơn cô 10 tuổi. Người này không dùng ngôn ngữ nói, nhưng viết những bài luận rất hay.
Ngưỡng mộ tài năng của "Three Stones", Zheng đã gặp anh tại khuôn viên của Đại học Vũ Hán. "Three Stones" ngồi trên thảm cỏ và dạy Zheng những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng người khiếm thính ở Vũ Hán.
Thông qua "Three Stones", Zheng gặp nhiều người giống mình. Họ đều là người khiếm thính, nhưng xuất sắc trong lĩnh vực riêng.
Cống hiến
Mê ngôn ngữ ký hiệu, Zheng đã biến nó thành chủ đề luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học. Bài luận được Đại học Vũ Hán đánh giá "luận văn tốt nghiệp xuất sắc", tạo tiền đề cho cô trở thành ứng viên tiến sĩ khiếm thính đầu tiên của Trung Quốc và bắt đầu học ngành Ngôn ngữ Ký hiệu tiếng Trung (CSL) tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải.
Lúc đó, Zheng nhận ra người khiếm thính chưa được nhìn nhận đúng. "Tôi là sinh viên khiếm thính duy nhất của người hướng dẫn mình và sau nhiều năm, tôi vẫn là sinh viên duy nhất mà thầy ấy gặp", Zheng nói.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ năm 2009, Zheng làm việc tại Đại học Sư phạm Trùng Khánh. Ngôi trường này đã giới thiệu một chương trình giáo dục đặc biệt cho các khóa cử nhân và thạc sĩ, đồng thời tuyển dụng nhiều sinh viên khiếm thính.
Zheng gần đây phát triển khóa học online dạy CSL một cách chuyên nghiệp. Cô sử dụng thành thạo Ngôn ngữ Ký hiệu tiếng Anh, sau chương trình trao đổi gần 4 tháng ở Mỹ năm 2016. "Các ký hiệu và từ vựng đa dạng từ nơi này đến nơi khác nhưng sự biểu lộ sắc thái, ngữ pháp đều có quy tắc chung", Zheng cho hay.
Khẩu hiệu "Nothing about us without us" (Không có việc gì về chúng tôi mà thiếu chính chúng tôi) được truyền thông mạnh mẽ, nhưng Zheng thấy lạc lõng. Lĩnh vực nghiên cứu CSL lâu nay vốn chiếm ưu thế bởi những người có khả năng nghe bình thường. "Tôi là một trong số ít người điếc trong lĩnh vực đó", Zheng nói.
Năm 2016, Học viện Khổng tử ở Minnesota, Mỹ, tuyển giảng viên tiếng Trung bị khiếm thính cho một chương trình trao đổi. Sử dụng được tiếng Quan thoại, tiếng Anh và có thời gian dài dùng CSL giúp Zheng khi ấy không có đối thủ.
Zheng cho rằng kỳ thị xã hội gắn với việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu đã khiến nhiều người khiếm thính xuất sắc phải học các ngôn ngữ nói. Người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu phần lớn học tại trường dành cho học sinh khiếm thính, nơi chương trình học thuật thường ít sôi động hơn trong các trường thính thống khác.
"Xã hội kỳ vọng rất thấp với những sinh viên dùng ngôn ngữ ký hiệu và đó là một hình thức phân biệt đối xử", Zheng nói và đang nỗ lực xóa bỏ định kiến này.
Bình Minh (Theo China Daily)