Một ngày như bao ngày, Dung thức dậy lúc 7h bằng tiếng chuông báo thức. Cô bắt đầu nghĩ xem hôm nay mình sẽ làm gì, đi những đâu, gặp gỡ ai... để kể lại những mẩu chuyện đó với mọi người thông qua fanpage của mình. Lập Fanpage Tivi của bố vào đầu năm 2019 với mong muốn có thể giải tỏa áp lực và phần nào "đối thoại" với bố mẹ sau thời gian không tìm được tiếng nói chung, những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của cô gái đôi mươi ngày càng được nhiều người đón nhận.
"Quãng thời gian giãn cách xã hội do Covid-19 khiến mình cảm thấy bí bách, stress nhiều hơn. Đột nhiên mình kể lại những câu chuyện trong lúc ở nhà đó trên mạng xã hội và được nhiều người biết đến", Dung kể.
Những câu chuyện Dung kể trên trang Fanpage, Facebook cá nhân đều là những lát cắt bình dị trong cuộc sống nhưng thường bị lãng quên. Dưới góc nhìn và nét kể của Dung, những câu chuyện hàng ngày như gặp cô bán cá xởi lởi, mẹ dạy bà hàng xóm dùng Facebook hay bố bỏ thuốc lá... hiện lên dung dị, đời thường nhưng lạc quan.
Không đào tạo bài bản về sáng tạo nội dung, cô gái trẻ vẫn hàng ngày làm người kể chuyện "full-time" trên mạng để theo đuổi đam mê của bản thân và truyền tải nguồn năng lực tích cực.
Cơ duyên bất ngờ
Trong suốt những năm tháng đại học, Dung nhận ra những phép toán ở trường kinh tế, logic, xác suất thống kê "sai số" so với con người mình nên đã lập các kế hoạch ngắn hạn để có thể "gap year" và tìm kiếm đam mê. Năm 2019, sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi bạn bè cố gắng theo đuổi những công việc đúng chuyên môn, Dung quyết định không đi làm. Suốt 1 năm kể từ quyết định, cô xách balo và lang thang mỗi tháng một tỉnh, mong muốn "làm mới" bản thân và "làm đầy" thêm những trải nghiệm sống.
Tuy nhiên, quyết định của cô gái trẻ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình. "Bố mẹ không thể hiểu được tại sao đang học kinh tế, với tương lai hứa hẹn, mình bỏ ngang tất cả", Dung nhớ lại.
Không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ, cũng không thể tìm được tiếng nói chung với gia đình, năm 2019, Dung lập fanpage "Tivi của bố" với mong muốn tạo ra cầu nối để mọi người hiểu mình hơn. Tên gọi "Tivi của bố" bắt nguồn từ việc Dung muốn làm điều gì đặc biệt dành tặng cho những người bố - mảnh ghép quan trọng của gia đình song lại ít khi xuất hiện so với hình ảnh người mẹ.
Những bài viết đầu tiên trên fanpage của cô gái đôi mươi bắt đầu từ những câu chuyện gia đình nào cũng có. Những lần cãi vã của bố mẹ, cách bố mẹ hòa giải với nhau được kể chân thực, sinh động qua ngòi bút của Dung. "Mang chuyện nhà lên mạng xã hội để kể bố mẹ mình đã không thích rồi, nhất là khi mình còn kể về những xung đột, những lần cãi nhau", Dung kể.
Thế nhưng, trái với phản ứng tiêu cực từ gia đình, nhiều độc giả của Dung lại đón nhận các câu chuyện theo chiều hướng tích cực. Dưới phần bình luận, nhiều độc giả bày tỏ "Bố mẹ dễ thương quá", "Gia đình mình cũng vậy", thậm chí, nhiều bạn còn tag bố và mẹ dưới mỗi bài đăng. Dần dần, bố mẹ Dung cũng thấy nhiều điểm tích cực trong những câu chuyện về gia đình được cô chia sẻ. Sau 3 năm từ khi Tivi của bố xuất hiện, bố mẹ cô từ việc không thích con gái kể những câu chuyện gia đình trên mạng xã hội lại trở thành những "fan cứng" không bỏ qua bài viết nào.
Quãng thời gian 3 năm cũng là hành trình để cô gái trẻ từ "tay ngang" học kinh tế có thể theo đuổi đam mê viết và kể chuyện "chuyên nghiệp" hơn trên mạng xã hội.
Hành trình của Dung đến với công việc sáng tạo nội dung đều là những bước đi độc lập. Với công việc viết lách, do không được đào tạo bài bản nên thời gian đầu, những câu chuyện Dung kể chủ yếu được viết theo cảm hứng. Thế nên, không phải ngày nào cô cũng có chuyện để viết. Những lúc bí ý tưởng, cô thường nhớ về những chuyện từ thời bé, thời xa xưa được ông bà kể lại. Cứ thế, cô gái trẻ lại viết, lại vẽ và kết nối đến hiện tại, tìm thấy điều may mắn trong cuộc sống để lan tỏa tinh thần lạc quan đến người đọc.
Việc hàng ngày viết những mẩu chuyện bình dị kèm những bức vẽ hồn nhiên đúng với con người Dung khiến cô luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Cô tin nếu hôm nay mình làm chưa tốt, phải cố gắng hơn nữa với tâm thế thoải mái thì ngày mai, ngày kia sẽ tốt hơn. Song song với đó, những câu chuyện của cô cũng vô tình lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh. Để ai cũng nhìn nhận chuyện đời một cách nhẹ nhàng hơn, hồn nhiên hơn, thay vì nặng trĩu trong "mê cung" tiêu cực.
Sau 3 năm hoạt động, trang Tivi của bố đã đạt 554.000 lượt theo dõi, một con số đáng mơ ước của những người làm công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Đây như một cuốn nhật ký của cô gái có biệt danh Làn, chỉ khác cô đang chia sẻ với nhiều người hơn để mọi người tìm ra cho mình những cách giải quyết, suy nghĩ tích cực hơn. Bên cạnh đó, cô cũng nhận được nhiều lời mời hợp tác viết sách, diễn giả talkshow và mở các lớp dạy kể chuyện.
Công việc xuất phát từ sở thích kể chuyện của Thùy Dung cũng mang đến cho cô nguồn thu nhập ổn định, để bố mẹ yên tâm và tin tưởng cô đã đi đúng với con đường mình chọn.. Đến hiện tại, cô đã có một khoản tích lũy vừa đủ cho bản thân, đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn để đáp ứng công việc làm nội dung trực tuyến.
Vượt qua khủng hoảng để vươn lên
Nghề sáng tạo nội dung mang đến cho Thùy Dung nhiều trải nghiệm và cách nhìn nhận mới. Mỗi ngày, cô đều nhận về hàng trăm, hàng nghìn bình luận trên các bài đăng của mình. Ngoài những bình luận tích cực, có thời điểm cô phải đối diện với những bình luận ác ý và chưa biết cách vượt qua.
"Thời gian đầu, mình cảm thấy rất tổn thương khi bị tấn công bằng lời nói. Đại loại kiểu ‘Ôi, nói đạo lý à?’, ‘Những chuyện cá nhân sao mang lên mạng kể vậy?’... Mình khóc rất nhiều và không hiểu tại sao bản thân lại bị chê bai, chửi bới nhiều như vậy", Thùy Dung hồi tưởng.
Về sau, cô gái trẻ nhận ra nên tôn trọng sự khác biệt về nhân sinh quan của mỗi người. Cuộc sống, cách lớn lên, cách được giáo dục, công việc, nền tảng... của mỗi người đều khác nhau nên cô không thể đòi hỏi cả thế giới lúc nào cũng phải dịu dàng với mình được.
Thùy Dung cảm nhận trong cuộc sống phải có người quý, có người ghét và nên đón nhận những ý kiến trái chiều một cách dịu dàng hơn. "Tâm lý mình chưa đạt đến ngưỡng có thể mặc kệ tất cả nhưng đang trong hành trình dần chấp nhận ý kiến của mọi người. Cái nào cảm thấy ổn thì đón lấy, còn cái nào mình cảm thấy không chấp nhận được thì nên bỏ đi", chủ nhân Tivi của bố bình thản nói.
Là người đồng hành cùng Dung trong một năm trở lại đây, chị Lan không khỏi khâm phục Dung khi cô có thể mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý này rồi tiếp tục phát triển fanpage. "Càng ngày, Dung càng sáng tạo nhiều nội dung hấp dẫn hơn để tiếp cận nhiều người ở mọi lứa tuổi đến với trang. Cô làm việc gì cũng tỉ mỉ, tâm huyết với năng lượng tràn trề", chị Lan nhận xét.
Thành quả từ những tháng ngày miệt mài sáng tạo nội dung của Thùy Dung không chỉ dừng lại ở những thành tích "online" như lượt theo dõi, tiếp cận, tương tác... Cô đã đưa ra những hành động giúp ích cho cộng đồng một cách thực tế hơn như huy động quyên góp quỹ xây trường học bằng cách mở lớp dạy kể chuyện, tổ chức gặp gỡ thông qua fanpage...
Đến nay, ngoài những lớp dạy kể chuyện cho doanh nghiệp, cô đang có 7 lớp dạy kểvchuyện cho những người đang tập viết tự do. Thùy Dung cũng đã xuất bản thành công cuốn sách đầu tiên mang tên Lê la từ nhà ra ngõ hồi tháng 2, gom nhặt những câu chuyện đời thường của cô như chính trên fanpage. Cuốn sách được tái bản nhiều lần và sắp tới, Dung dự định cho ra mắt tập 2. Song song với đó, cô nàng 25 tuổi đã xây được 2 điểm trường ở vùng núi phía Bắc cho các em học sinh tiểu học nhờ sự kết nối của một tổ chức xã hội và dự định xây nhiều điểm trường tiếp theo trong tương lai. Dung vui sướng và tự hào khi đã mang công sức bé nhỏ của bản thân để giúp ích cho cộng đồng.
"Có hai thứ thời gian vừa rồi mình đã quên mất là sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất. Hai điều này là quan trọng nhất nên mình muốn nhắn nhủ bản thân làm gì thì làm, cứ khỏe đã thì cái đầu, cơ thể của mình sẽ khỏe. Thế thôi!", Thùy Dung lạc quan tự nhắc nhở.
Hành trình của Dung là những bước đi, việc làm tập trung vào bản thân rồi lan tỏa đến cộng đồng. Cô không đặt nặng áp lực nào lên vai, thay vào đó là thả lỏng đầu óc, cơ thể để đón lấy cả những điều đẹp đẽ và xấu xí. Nhìn những mẩu giấy note "Chỉ cần làm tốt hơn, mặc kệ những điều xung quanh Dung ạ!" trên bàn làm việc của cô gái sinh năm 1997, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được cô đang nỗ lực từng ngày để vượt qua một bộ phận dư luận gai góc, tiến bước để sống đầy.
Thùy Dung là đại diện tiêu biểu truyền cảm hứng cho tinh thần "Tiến bước sống đầy cùng niềm an vui". Chinh phục đam mê để sống trọn vẹn hơn là điều bất kỳ ai cũng có thể làm, vì vậy, hãy mạnh mẽ đón nhận thách thức, mở rộng giới hạn của bản thân và kiên trì theo đuổi sự lựa chọn của mình. Mỗi người đều có những đam mê và hoàn cảnh khác nhau nhưng cách chúng ta đối mặt với khó khăn, mạnh mẽ bước tiếp sẽ cổ vũ, cũng như tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người khác. Bạn cũng có thể trở thành nhân vật truyền cảm hứng của chuyên mục "Tiến bước sống đầy" được thực hiện bởi VnExpress và FWD bằng cách chia sẻ câu chuyện tại đây. |
Thanh Thư
Video: Anh Phú