Sáng sớm tháng 10, trên con đường chạy xuyên qua rừng cao su có một chiếc xe máy chở theo hai cô gái đang hướng về phía TP Đồng Xoài. Những lúc chiếc xe ì ạch vượt con dốc cao, cô gái ngồi sau hơi lo lắng, đưa tay ôm chặt người phía trước. Lúc đó, người đi đường mới nhận ra phần thân dưới của cô gái không thể chủ động như bình thường.
Một số người mỉm cười khi nhận ra cô gái đang cầm lái là Hà Hồng Xuyến còn người ngồi sau là cô gái bị liệt nửa người từ hồi 5 tuổi Trần Thị Hồng Nhung. Hơn 10 năm nay, Xuyến trở thành "đôi chân" đưa bạn đi khắp nơi.
"Nếu không có Xuyến, chắc chắn bây giờ em vẫn còn là một cô bé khuyết tật không nghề nghiệp, không tương lai và là gánh nặng của gia đình", Hồng Nhung, 19 tuổi, ở thôn Phú An, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, chia sẻ.
Nhà Xuyến và Nhung chỉ cách nhau khoảng 10 phút đi xe nhưng phải đến khi đi học lớp 1, hai cô bé mới biết nhau. Ngày đó, dù mới chỉ là một cô bé 6 tuổi nhưng Xuyến cảm nhận được sự khác biệt của Nhung – cô bạn cùng lớp 1 được mẹ chở đến trường, bế vào lớp và chỉ ngồi một chỗ. Những ngày đầu, đám trẻ con háo hức khi có bạn mới, ùa ra sân khi nghe tiếng trống báo giờ ra chơi. Riêng Nhung chỉ ngồi một góc, rướn người ngó ra nhìn các bạn. Thấy vậy, Xuyến đến hỏi han rồi tự nguyện ngồi trong lớp chơi với bạn. Có hôm mẹ Nhung đến đón trễ, Xuyến cũng là người duy nhất ở lại trường đợi mẹ cùng bạn. "Dù có nhiều bạn cũng đến nói chuyện, nhưng chỉ có Xuyến là bạn ở cùng em nhiều nhất. Hết nói chuyện lại học bài chung", Nhung hồi tưởng.
Lên lớp 4, để được học máy chiếu, cả lớp phải di chuyển sang phòng khác ở cuối dãy. Những lúc như vậy, Xuyến mạnh dạn xung phong bế bạn đi. Nhưng được nửa đường thì mỏi, cô đặt Nhung ngồi lên lan can một lát rồi đi tiếp. Vậy là từ đó cho đến khi học cùng nhau ở cấp 2, Xuyến luôn là người bế bạn khi đổi phòng, xuống căn tin hay ra sân trường hóng mát. Ở trường, đôi bạn như hình với bóng, Xuyến trở thành đôi chân của Nhung.
Lên cấp 3, sức khỏe Nhung yếu hơn do thường bị lở loét ở phần mông và viêm bàng quang phải đi viện liên tục. Nhung thương mẹ vất vả cạo mủ cao su đến 2 – 3h sáng, lại còn phải lo hai đứa em nhỏ đi học nên quyết định nghỉ học. "Mẹ đã vất vả vì em 9 năm trời rồi, việc học cấp 3 hay lên đại học là điều gì đó rất mơ hồ", Nhung tâm sự.
Lúc bấy giờ, Xuyến đã nhập học cấp 3, nhưng chỉ được vài tháng lại quyết định nghỉ để đi học nghề. Một lần đến thăm Nhung, cô gái thấy bạn khóc rồi ôm chầm lấy mình như một đứa trẻ. Thương bạn, Xuyến quyết định sẽ đưa cô đi học nghề cùng mình. Cả hai mất mấy ngày ngồi tính toán, lựa nghề phù hợp với người bị liệt, đồng thời sau này có thể làm chung. Cuối cùng họ chọn học nghề trang điểm.
Tuy nhiên, để thuyết phục mẹ Nhung giao con gái cho Xuyến là điều khó khăn. Bà không muốn con gái phải bươn chải, sợ con ra ngoài bị ăn hiếp. Hơn nữa, bà thấy phiền cho Xuyến. "Tôi là mẹ, đi đâu cũng canh giờ để về cho con đi vệ sinh còn thấy cực nên không muốn cái Xuyến cực khổ vì bạn. Một tháng đầu tôi phải đưa đón con tới chỗ học để xem môi trường thế nào, khi thấy hai đứa nhất quyết đòi tự lo, tôi mới để con đi với bạn", bà Bùi Thị Thuận, 43 tuổi, mẹ của Nhung kể.
Kể từ đó, Xuyến nhận nhiệm vụ đưa đón Nhung đi đến chỗ học cách nhà cả hai khoảng 15 km mỗi ngày. Gần một năm sau, khi tay nghề đã khá, cả hai bắt đầu nhận khách rồi tự đi làm.
"Xuyến chưa bao giờ làm em ngã, lúc thấy mệt thì bạn sẽ đặt em xuống nghỉ một chút rồi đi tiếp. Chỉ có một lần hai đứa chờ thùng đồ trang điểm cồng kềnh, trời lại mưa nên tụi em ngã từ xe máy xuống nhưng may mắn không sao", Nhung kể lại.
Cơ thể không lành lặn nên Nhung rất tự ti, ngoài giờ đi học, đi làm cô ít khi đi đâu chơi, Xuyến lại đến bắt bạn ăn mặc đẹp rồi chở bạn đi trà sữa, mua sắm. "Thấy Xuyến bế em vào quán ăn, nhiều người không biết nói rằng em như vậy mà tha đi gì cho cực. Có người không biết em bị liệt, chỉ trỏ bảo sao lớn rồi còn để người khác bế. Lúc đó, Xuyến đáp trả lại ngay, bảo vệ em như một người chị", Nhung tâm sự.
Khoảng một năm nay, Nhung học được cách tự mình đi vệ sinh mà không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ hay Xuyến. Chủ động hơn trong sinh hoạt, Nhung tự tin đăng ký học thêm nghề phun xăm thẩm mỹ ở thành phố Đồng Xoài. Cô gái ở lại tiệm, tự lo liệu sinh hoạt và việc học nghề của mình. Xuyến đã chuyển nhà lên gần đó nhưng vẫn chở Nhung đi làm và về nhà khi cần.
Ước mơ của Nhung là được đi du lịch, nhưng từ nhỏ đến lớn ngoài lên Sài Gòn trị bệnh, cô ít được đi chơi xa. Muốn thực hiện tâm nguyện cho bạn, nhiều lần Xuyến đề nghị cả hai sẽ cùng đi nhưng Nhung từ chối, sợ bạn vất vả. Đầu năm nay, cả hai cũng đã có chuyến đi đầu tiên lên Đà Lạt bằng tiền tiết kiệm của mình. 6 ngày ở đây, Xuyến là người bế và đẩy xe lăn lên những con dốc cao, giúp cô bạn thân tham quan gần hết những địa điểm nổi tiểng của thành phố.
Năm ngoái, trong ngày đám cưới chị gái mình, Nhung bỗng dưng nói với Xuyến: "Nếu mai mốt mày lấy chồng thì tao sẽ sao nhỉ?". Dứt lời, cả hai ôm nhau khóc. Xuyến đáp lời bạn: "Sau này thì không biết, nhưng còn bên nhau bao lâu nữa thì tao sẽ đưa mày đi thật nhiều nơi mày muốn. Bao giờ mày đi hết thì tao mới lấy chồng".
Hiện tại, cả hai cũng nhau học thêm khóa học phun xăm, nếu có khách gọi trang điểm Xuyến cũng đèo bạn đi làm. Cả hai dự định sẽ tích lũy một số vốn, vài năm nữa khi vững tay nghề sẽ mở một cửa tiệm nhỏ để cùng làm.
Riêng Nhung, cô bạn còn ước mơ được học bổ túc để lấy bằng cấp 3 và nhận những người bạn có hoàn cảnh như mình để dạy nghề cho họ.
Diệp Phan