Tháng 5/2020, Lãn Nguyên Huệ Trang (Hà Nội) quyết định thực hiện chuyến xuyên Việt bằng xe đạp từ Hà Nội đến Cà Mau. Điểm đặc biệt của hành trình là Trang không muốn đi nhanh mà muốn sống chậm, ngắm nhìn thiên nhiên và sống cùng người địa phương.
Chia sẻ về lý do, Trang gọi đây là hành trình trở về với thiên nhiên để tìm lại chính mình. Mặc dù có công việc tốt, yêu mến đồng nghiệp, cô thấy trái tim không còn sống động, tràn đầy lửa nhiệt huyết như trước.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, Trang mất 6 tháng. Đầu tiên, cô lên danh sách điểm đến, nghiên cứu bản đồ. Chưa từng có kinh nghiệm đi xuyên Việt hay chơi thể thao mạo hiểm, Trang học những kỹ năng cần thiết như các tư thế đạp xe, đổ đèo, sửa xe, gấp quần áo, võ tự vệ... Tiếp đó, cô mua xe, tập đạp và dành thời gian đọc sách để củng cố tinh thần.
"6 tháng dạy cho mình rằng sự chuẩn bị tốt nhất là không chuẩn bị gì cả và hành trang quan trọng là trái tim mình. Nếu cứ trì hoãn và chuẩn bị mãi cho đến lúc đủ thì có thể không bao giờ đi được", Trang nói.
Hành trang của cô gồm xe đạp, quần áo, một cuốn sách, một cuốn sổ, đồ ăn khô dự trữ, lều bạt, áo phản quang, đèn pin, bộ sửa xe mini, và một số đồ dùng cá nhân. "Ngày đầu tiên có lẽ là ngày can đảm nhất. Bởi đó là khoảnh khắc mình dám rời khỏi những điều quen thuộc, gắn bó nhất để bước vào một hành trình không biết trước", Trang nhớ lại.
Trang chỉ "dắt túi" 3 triệu đồng cho cả hành trình. "Mình không muốn một chuyến đi quá dễ dàng, ăn quán, ở nhà nghỉ. Hơn nữa, thời gian đi lâu vậy tốn rất nhiều tiền, mình không trang trải nổi", Trang chia sẻ. Cô hạn chế tối đa nhu cầu của bản thân, chỉ dùng tiền cho việc ốm đau, hỏng xe hoặc mua vé tham quan.
Việc ăn và ngủ, Trang chủ yếu nhờ vào nhà dân dọc đường. Nếu không có ai mời vào nhà nghỉ trưa, cô gái nghỉ ven đường, nơi có bóng râm, ăn bánh kẹo mang theo để lấy năng lượng. Trang cũng được mọi người ủng hộ thêm hiện vật lẫn tiền mặt. "Có người tặng mình lều, bạt cách nhiệt, túi ngủ, cục sạc, lốp, săm xe... Chưa bao giờ mình phải chi tiền ở nhà nghỉ, ngủ ở đường đến nay là 6 lần rồi, may mắn là luôn được ăn tối và tắm sạch sẽ. Hiện 3 triệu của mình vẫn còn nguyên, ngân sách còn tăng thêm", Trang cười.
Trang luôn biết ơn sự giúp đỡ cô nhận được. Cô chưa từng nghĩ sẽ được sống thân thiết cùng các gia đình như người trong nhà, được mời đi dự đám cưới, sinh nhật... Nhiều gia đình gửi thêm bánh, luộc trứng, sữa cho cô mang theo. Trang còn tham gia từ thiện cùng người dân tại địa phương. "Mình xuất phát chỉ có một mình, vậy mà giờ được đồng hành cùng nhiều người khác. Ai cũng rất tốt, đến quán bánh xèo, em bán bánh mời mình 10 cái, nhất quyết không lấy tiền. Hay đôi lúc, các cô hàng xóm tập trung lại để xem mặt mũi "con bé đạp xe từ Bắc vô Nam" trông như thế nào", cô kể về những kỉ niệm nhỏ.
Dọc hành trình, cô gái gặp nhiều sự cố như hỏng xe, thời tiết khắc nghiệt, phải ngủ ngoài trời hoặc bị gạ gẫm... Nhưng cô lạc quan nghĩ rằng, "mọi chuyện trôi qua rồi nên không còn là khó khăn nữa". Ngoài ra, Trang không muốn than vãn vì cô muốn sống và thấu hiểu nỗi vất vả của người dân địa phương trong những lúc thời tiết khắc nghiệt, nắng khô hạn hay bão lũ.
"Có những giây phút mình rơi nước mắt, nhưng chưa lần nào có ý định quay đầu. Có sức mạnh ở sâu bên trong nhắc nhở mình đi tiếp. Hành trình này mở ra cho mình sự kết nối sâu với bản thân", Trang nhớ lại.
Hiện tại, Trang đang ở Quảng Nam. Như dự kiến từ trước, sau khi đến Cà Mau, Trang sẽ tiếp tục hành trình đi bộ từ Hà Nội lên các tỉnh miền núi phía Bắc. "Mình có nhiều ý tưởng để sống cuộc đời tự do mình muốn, nhưng chọn làm gì đến lúc đó sẽ rõ. Cuộc đời luôn đầy bất ngờ, đang ở đây nhưng lo lắng sau này mình sống thế nào sẽ khiến bản thân đánh mất hiện tại", Trang khẳng định.
Ngân Dương
Ảnh: NVCC