Ngày 2/1, Thùy Dương, 30 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ loạt ảnh về mâm cơm Tết mang tên "Vị xưa" lên mạng xã hội. Cô cho biết tất cả bát, đĩa, đũa cho đến 6 món ăn truyền thống đều làm từ bánh gato, đường và socola... khiến mọi người đều ngỡ ngàng. Bài viết thu hút hơn 7.000 lượt yêu thích cùng hàng nghìn bình luận ngợi khen.
"Nếu không nói được tạo hình từ bánh ngọt tôi vẫn tưởng là mâm cỗ thật. Nhìn đi nhìn lại vẫn không tìm ra điểm khác biệt", người dùng tên Minh Hạnh viết.
5 năm trước, Dương từng thử tạo hình mâm cỗ Tết cổ truyền từ bánh kem, khi chuyển từ công việc ngân hàng sang làm bánh. Nhưng cô phải dừng giữa chừng bởi thiếu kinh nghiệm, sản phẩm làm ra không như ý.
Đến những ngày cuối năm 2024, Dương làm lại mâm cơm chiều 30 Tết gồm bánh chưng xanh, nem rán, thịt đông, canh bóng bì, dưa hành, thịt rán và giò lụa.
"Càng gần những ngày giáp Tết, tôi muốn áp dụng sở trường làm bánh để tái hiện mâm cỗ xưa, để những người con xa quê được trở về ký ức", Dương nói.
Để tạo hình mâm cỗ chân thật nhất, Dương và 8 cộng sự mất nhiều ngày tìm hiểu kết cấu của từng món ăn cho đến hình dáng của đôi đũa, thìa múc canh, bộ bát đĩa tráng men đầu những năm 2000.
Với món nem rán, cô dùng kẹo đường nặn từng viên thịt xay nhỏ, mộc nhĩ, nấm hương cho đến cà rốt bào sợi. Sau khi trộn lẫn nguyên liệu sẽ dùng bánh đa mỏng gói lại để tạo độ căng phồng trên bề mặt. Hay để vỏ ngoài của bánh chưng phủ lớp gạo nếp có hình dáng hơi dẹt, kết dính như được luộc hơn 10 tiếng, bốn thành viên trong nhóm nặn hàng nghìn viên kẹo đường. Riêng với đĩa thịt đông và canh bóng bì, Dương đun nóng gelatin (chất kết dính thường dùng để làm bánh) để tạo độ trong, nhìn rõ nguyên liệu rau củ hay thịt bên dưới.
Ngoài đồ ăn, các dụng cụ bát đĩa, đũa gỗ và thìa được Dương nghiên cứu tỉ mỉ qua Internet và nhờ bố mẹ ở quê tìm các món đồ tương tự để mô phỏng hoa văn. Sau khi nặn hình từ hỗn hợp kẹo đường, cô vẽ hoa lên bề mặt, tạo các vết sứt, mẻ trên bát.
Mâm cỗ tết được hoàn thiện sau 5 ngày và đang trưng bày tại một quán cà phê trên phố Yên Thế, quận Ba Đình để mọi người đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Do không có chất bảo quản, các món ăn để tối đa một tuần.
Hà Đức Hưng, 23 tuổi, một thành viên làm mâm cỗ Tết từ bánh ngọt, nói gặp những khó khăn trong quá trình vẽ các vân thịt, tạo độ gồ ghề trên món ăn hay phối màu sao cho giống thật. Nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhóm đã tạo ra mâm cỗ đơn giản nhưng chứa đựng cả tuổi thơ.
"Với người con xa quê như tôi, chỉ cần nhìn thấy mâm cỗ là thấy Tết cận kề", Hưng nói.
Còn với Dương, cô hy vọng mâm cỗ từ bánh ngọt như lời nhắn nhủ với mọi người, dù cuộc sống nhiều đổi thay nhưng các giá trị truyền thống vẫn đáng quý và cần giữ gìn.
Quỳnh Nguyễn