Bài viết dưới đây là chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân của nhà văn, chuyên gia tâm lý xã hội học Mỹ Lauren Meeks, trên tạp chí The Mic.
Lớn lên trong một gia đình công giáo, tôi được dạy rằng phải coi trinh tiết quan trọng như linh hồn của mình, nó là thứ quý giá nhất, phải bảo vệ bằng mọi giá và mất trinh trước hôn nhân là một điều nhục nhã.
Nếu bạn không lớn lên ở nhà thờ, bạn sẽ khó hiểu được điều này. Nhưng giữ trinh nguyên trước khi kết hôn là điều phổ biến ở nhiều nơi, nhất là các vùng công giáo, đến mức tôi chưa bao giờ nghi hoặc về điều đó. Tất nhiên, tôi cũng đã cố gắng giữ gìn cho đến lúc lấy chồng. Sao tôi có thể nghĩ tới việc làm khác đi được?
Khi 15 tuổi, tôi ký vào một bản cam kết phải nhịn sex cho tới khi lập gia đình. Bố mẹ còn mua cho tôi một "chiếc nhẫn trinh nguyên" vào năm sau đó. Mặc dầu biết rằng bố mẹ mình từng chung sống với nhau vài năm trước khi làm đám cưới, tôi chưa bao giờ nghĩ họ "đạo đức giả" mà tin là bố mẹ làm điều tốt nhất để giúp tôi tránh mắc phải sai lầm như họ thời trẻ.
Trước nhiều lời cảnh báo về việc "ăn cơm trước kẻng" từ nhà thờ, bố mẹ và những người khác, tôi trở nên cực kỳ cảnh giác: Tôi tránh những cử chỉ thân mật với những anh chàng mình hẹn hò thời ở đại học và hơn thế nữa, tôi thậm chí còn không trao nụ hôn cho người đàn ông sẽ trở thành chồng mình cho tới đúng ngày cưới.
Chúng tôi hẹn hò gần một năm trước khi đính hôn và sau đó 5 tháng thì làm lễ thành hôn. Thực tế là tôi và chồng trao nhau nụ hôn đầu ở lễ đường trong hơi thở gấp gáp. "Sao bạn biết liệu mình có hòa hợp tình dục với người đàn ông này không nếu chưa từng hôn anh ta", mọi người có thể sẽ hỏi tôi như vậy.
Thành thật mà nói, trước đó, tôi chưa bao giờ thực sự lo lắng về việc cưới một người mà mình không hòa hợp về sex bởi mọi người đều bảo với tôi rằng "chuyện ấy" sẽ cực kỳ tuyệt vời khi nó được để dành cho hôn nhân. Đôi khi tôi đã nghĩ liệu quyết định cấm hôn của mình có giống như một hình phạt với anh ấy không, nhưng người yêu chấp nhận chờ đợi nên tôi tự cho là đó không phải vấn đề gì đáng nói. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn cười vì sự ngây ngô của mình.
Rõ ràng, những rung cảm giữa hai người yêu nhau khiến tôi và chồng mình không dễ dàng khi phải kiềm chế để không đụng chạm vào cơ thể nhau (hồi chưa cưới). Nhưng cả hai đứa đều quyết giữ gìn cho nhau và nghĩ rằng sự "hy sinh" đó là xứng đáng. Tôi ngây thơ cho rằng tất cả những gì mình làm đó sẽ giữ cho đời sống chăn gối sau này nóng bỏng, đầy đam mê.
Không ai trong hai chúng tôi từng có trải nghiệm tình dục. Chúng tôi cũng chẳng dám hỏi những bạn bè đã có gia đình và tôi thực sự chưa bao giờ được giáo dục giới tính đầy đủ trong trường học. Mặc dầu liên tục hỏi xem điều gì sẽ xảy ra vào đêm động phòng, lời khuyên tốt nhất tôi nhận được từ bạn thân, gia đình và cả bác sĩ luôn là "mọi việc sẽ ổn thôi", "Đừng lo, con sẽ biết hết mà" hay lời tự nhủ của chính mình "Sex sau khi cưới sẽ rất tuyệt".
Nhưng mọi thứ không như tôi tưởng. Vợ chồng tôi gặp trục trặc trong chuyện chăn gối. Tôi bị chẩn đoán mắc hội chứng co thắt âm đạo ít lâu sau tuần trăng mật (khoảng thời gian đầy nước mắt vì đau đớn và thất vọng). Tiếp đó là những tháng đen tối nhất trong cuộc đời tôi.
Sau khi trò chuyện với các bác sĩ và chuyên gia trị liệu, tôi bắt đầu nhận ra rằng sau vài thập kỷ cố "giữ mình", tôi đã vô thức tự cho rằng sex là điều xấu, một thứ cần tránh và không được nghĩ tới. Và bây giờ, khi nó là "tốt", là "được phép" vì tôi đã có chồng, cơ thể tôi không biết phải làm gì bởi nhiều năm qua nó đã tự ép mình không được hứng thú với người khác giới.
Khi tôi nhận ra thực tế khó khăn của mình, tôi ngày càng rơi vào trạng thái trầm cảm và thấy mình hoàn toàn thất bại trong vai trò một người phụ nữ cũng như một người vợ.
Vì phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để trị liệu hằng ngày và tư vấn hằng tuần, tôi trở nên dễ nổi khùng với mọi người xung quanh - từ chồng, gia đình đến bạn bè... Tôi không thể chịu nổi sự bất công này. Tôi đã phải vật vã giữ gìn trinh tiết cho chồng và sau khi cưới, phần thưởng tôi nhận được chẳng có gì ngoài sự căng thẳng và lo âu.
Đáng buồn là, tôi không phải trường hợp hiếm. Càng tìm hiểu và chia sẻ câu chuyện của mình, tôi càng nhận ra vấn đề này (và những trục trặc tương tự) cực kỳ phổ biến, nhất là trong những gia đình gia giáo. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để dạy dỗ trẻ em tuổi teen phải tránh quan hệ tình dục. Sex là câu chuyện cấm kỵ ở nhiều nhà, nhiều nơi.
Nếu chúng ta nói về sex một cách thẳng thắn như những chuyện thường nhật khác thì sao? Nếu chúng ta chia sẻ về lần "yêu" đầu với những điều thêu dệt kỳ diệu hay sự thật dễ gây bối rối thì thế nào? Nếu chúng ta thảo luận về ảnh hưởng tâm lý mà sex ảnh hưởng trên não mỗi người, kết quả họ nhận được là gì?
Nếu được làm lại, có thể tôi vẫn đợi sau cưới mới làm "chuyện ấy" - nhưng đó là vì tôi muốn vậy và lựa chọn thế chứ không phải bởi bị sai khiến, bị bảo rằng sex trước hôn nhân là sai trái, và hãy đợi. Khi bạn ở tuổi teen, ý nghĩa của việc "đợi đến khi cưới" dễ bị hiểu sai, khiến bạn nhìn nhận tiêu cực về sự thân mật thể xác.
Vương Linh