"Tôi cảm thấy như ngôi nhà đã sụp đổ", Nikita Goel, cô gái 28 tuổi ở Uttar Pradesh, Ấn Độ, nói, nhớ lại khoảnh khắc cả gia đình cô nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, trong đó có cả bố mẹ và người ông đã 86 tuổi của cô.
Bố và ông của Goel nhanh chóng trở nặng, phải chiến đấu để giành từng hơi thở, khiến cô phải chạy vạy đến các bệnh viện đã quá tải để tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi cô đã xuất hiện triệu chứng ho sốt.
"Tôi đột nhiên cảm thấy mình bị bỏ lại một mình trên thế giới này. Một mình phải gồng gánh cứu cả gia đình", Goel nói.
Sóng thần Covid-19 quét qua Ấn Độ khiến nhiều gia đình, khu dân cư đều trở thành người bệnh. Do hệ thống y tế đã quá tải, nhiều bệnh nhân Covid-19 không bị trở nặng bỗng trở thành trụ cột trong gia đình, cố tìm đến các hiệu thuốc, phòng khám và bệnh viện để tìm kiếm sự trợ giúp cho người thân, bất chấp khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
Goel và gia đình cô sống ở Bareilly, bang Uttar Pradesh, nơi đang ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao nhất Ấn Độ. Quốc gia này hôm 2/5 báo cáo hơn 390.000 ca nhiễm mới và hơn 3.600 ca tử vong do nCoV, song các chuyên gia dự đoán con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Tại Uttar Pradesh, nơi sinh sống của khoảng 237 triệu người, các bác sĩ cho biết toàn bộ giường bệnh đã chật kín, trong khi nhân viên y tế, oxy và thuốc điều trị thiếu trầm trọng. Chính quyền bang Uttar Pradesh cũng thừa nhận các bệnh viện đang hoạt động ở công suất tối đa và gặp khó trong việc cứu chữa người bệnh, song bác thông tin thiếu oxy và ca tử vong cao hơn báo cáo.
Goel đã gọi hàng chục cuộc cho dịch vụ cấp cứu và tìm đến 11 bệnh viện ở Bareilly để tìm giường cho ông nội, người cao tuổi nhất trong nhà. Tuy nhiên, những thứ Goel nhìn thấy chỉ là các hành lang chật kín bệnh nhân và những giường bệnh ghép tới hai bệnh nhân trở nặng. Các phòng chờ nhập viện còn đông tới mức không có chỗ đứng.
"Đôi khi, tôi cảm thấy mình sẽ gục ngã", Goel nói.
Điều duy nhất cô có thể làm giữa thảm kịch Covid-19 là cố gắng tự biến căn nhà nhỏ của gia đình thành phòng chăm sóc tích cực, với việc đầu tiên là mua bình dưỡng khí với giá cao gấp 4 lần bình thường. Một người lạ cũng cho cô tấm phiếu chờ nhập viện nhanh hơn mang số thứ tự 52.
Tới khi bố trở nặng, Goel đã đưa ông đến bệnh viện sớm, nhưng vẫn không có sẵn giường và phải chờ trên xe hàng giờ. Khi ông Goel không còn thở nổi, cô phải hét lên với nhân viên y tế hãy lấy cáng và cho ông vào trong. Một bác sĩ sau đó bước ra cho ông Goel thở oxy, nhưng cũng phải tới chiều cùng ngày, ông mới được bệnh viện tiếp nhận.
Đến ngày 22/4, ngày cưới theo dự kiến của Goel, cũng là ngày cô chuyển thêm ông nội vào cùng bệnh viện nơi bố cô đang điều trị. "Trông ông rất hạnh phúc và ông mỉm cười với tôi vài lần", Goel nói.
Sau khi ông nội Goel được chụp cắt lớp, các bác sĩ kết luận 90% phổi của ông đã tổn thương. Hai ngày sau đó, bệnh viện gọi cho Goel thông báo ông nội không qua khỏi.
Một ngày tiếp theo, Goel lại nhận được tin dữ rằng nồng độ oxy của bố cô đã giảm mạnh và ông cần Tocilizumab, loại thuốc đang rất khan hiếm, buộc gia đình bệnh nhân phải tự tìm.
Goel vội vã liên lạc cho tất cả những người cô biết. Anh họ cô cũng điện nhờ cậy thanh tra dược phẩm, quan chức chính quyền, quan chức giám sát cung cấp thuốc và vaccine, song cũng không thể có ngay thuốc Tocilizumab. Cô sau đó tuyệt vọng đăng trên WhatsApp cầu xin sự giúp đỡ, song cũng không có hy vọng.
Vài ngày sau, do không được điều trị kịp thời, bố của Goel đã qua đời, để lại trong cô nỗi dằn vặt, tự trách bản thân khôn nguôi. "Đáng lẽ tôi có thể làm nhiều hơn để cứu bố", Goel nghẹn ngào.
Ngọc Ánh (Theo WSJ)