Ý tưởng này được Demi Skipper 29 tuổi nảy ra từ tháng 5 năm ngoái, trong khi mọi người còn đang làm quen với các ứng dụng làm việc trực tuyến. Giờ đây, cô hy vọng mình sẽ có căn nhà mới vào cuối mùa hè.
Skipper bắt đầu "dự án" của mình qua YouTube. Ngồi trong phòng khách căn nhà thuê ở San Francisco, Skipper xem một buổi nói chuyện của Kyle MacDonald, còn được gọi là "anh chàng kẹp giấy đỏ". MacDonald đã trao đổi đồ 14 lần và từ đồ vật ban đầu là chiếc kẹp giấy đỏ, anh có một căn nhà vào năm 2006.
Trước đó, MacDonald là một chàng trai 26 tuổi thất nghiệp. Từ chiếc kẹp giấy đỏ, anh đổi được một chiếc bút hình con cá, sau đó tới tay nắm cửa thủ công và bếp cắm trại, máy phát điện, một thùng bia và bảng hiệu neon, xe trượt tuyết, chuyến đi tới Yahk ở British Columbia, xe tải, hợp đồng thu âm, một năm thuê nhà ở Arizona, một buổi chiều với nhóm nhạc rock Alice Cooper. Thương vụ kỳ lạ nhất của MacDonald là đổi một quả cầu tuyết lấy vai diễn trong một bộ phim Hollywood. Cuối cùng, anh đổi vai diễn lấy ngôi nhà hai tầng ở Kipling, Saskatchewan, Canada.
Tự nhận mình là "kiểu doanh nhân vụn vặt", Skipper học theo McDonald.
"Tôi sẽ không mua gì hết. Tôi không dùng tiền. Tôi cũng không đổi đồ với những người mình quen", Skipper nói trong một đoạn video đăng lúc 7h sáng. Cô cho biết thêm nhiều người phàn nàn, khuyên cô đi tìm việc thay vì làm dự án. "Họ đâu biết tôi làm việc 12 tiếng mỗi ngày", nữ quản lý sản phẩm cho một trang thông tin điện tử nổi tiếng tiết lộ.
Skipper tìm đến các trang thương mại điện tử. Đầu tiên, cô đăng ảnh một chiếc kẹp tóc, giải thích ý tưởng của mình và đổi được một đôi hoa tai mới từ một phụ nữ trên mạng xã hội. Nhiều người không có nhu cầu đổi vẫn liên lạc với Skipper, nói rằng họ có thể hỗ trợ cô bằng cách cho đi nhờ xe hoặc mượn nhà kho. "Tôi nhận được khoảng 1.000 tin nhắn mỗi ngày", Skipper tiết lộ.
Từ đôi hoa tai, Skipper đổi được bộ ly rượu bốn chiếc, sau đó tới chiếc máy hút bụi, ván trượt tuyết và Apple TV. Có được món đồ "hiệu" đầu tiên, hành trình đổi đồ diễn ra suôn sẻ hơn. Skipper đổi Apple TV lấy bộ tai nghe hiệu Bose và đổi bộ tai nghe lấy chiếc Macbook cũ.
Chiếc MacBook đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình của Skipper và giá trị các đồ vật trao đổi cũng ngày càng tăng lên. "Lần giao dịch tiếp đó cực kỳ căng thẳng vì đó là lần đầu tiên tôi gửi đồ đi xa. Tôi phải chắc chắn rằng người muốn lấy Macbook sẽ chuyển cho mình bộ máy ảnh kèm ống kính", Skipper nói.
Nhận được bộ máy ảnh kèm ống kính, Skipper tiếp tục đổi lấy một đôi giầy thể thao. Muốn chắc chắn đôi giầy là hàng thật, cô phải nhờ cậy một người quen chuyên thẩm định giầy. Skipper đổi giầy thêm hai lần nữa và tìm được một người đàn ông vì muốn sở hữu đôi giầy giá 1.000 USD mà sẵn sàng trao đổi chiếc iPhone 11 Max mới tinh.
Quá trình đổi đồ không hoàn toàn suôn sẻ. Trong một năm qua, Skipper gặp không ít sự cố.
Ví dụ, một gia đình theo dõi Skipper trên mạng xã hội đổi chiếc xe tải nhỏ màu đỏ lấy iPhone. Để đổi đồ, gia đình kia gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ đã lái xe 29 tiếng từ Minnesota đến San Francisco. Tuy nhiên, sau chuyến đi quá dài, chiếc xe bị hỏng. Skipper chia sẻ sự cố này trên mạng xã hội mà không ngờ gia đình kia phải chịu quá nhiều bình luận tiêu cực.
Không dùng được chiếc xe mà cũng không có tiền sửa, Skipper đổi xe lấy ván trượt, sau đó "nâng cấp" lên xe đạp điện và một chiếc Mini Cooper.
Lần đổi tiếp theo lại là một thảm họa. Skipper đổi chiếc Mini Cooper trị giá 5.000 USD lấy một chiếc vòng cổ kim cương. Người đổi khẳng định giá trị chiếc vòng lên tới 20.000 USD nhưng sau khi nhận và đem đi kiểm tra, Skipper mới biết sợi dây này chỉ đáng 2.000 USD.
Skipper đổi chiếc vòng lấy một chiếc xe tập hiệu Peloton, tiếp đến là một chiếc ô tô Mustang, xe Jeep, nhà di động, xe Honda CRV và ba chiếc xe kéo. Lần giao dịch mới nhất, Skipper đổi ba chiếc xe kéo lấy thẻ vip của chuỗi nhà hàng Chipotle. Chiếc thẻ cho phép người dùng ăn uống không giới hạn ở Chipotle suốt một năm và có thể đặt một bữa tối cho 50 người. Theo Skipper, hiện Chipotle mới phát hành ba chiếc thẻ này.
Dù không dùng tiền để lấy đồ đạc, Skipper cho biết cô sẵn sàng chịu chi phí vận chuyển. Một năm qua, cô tiêu khoảng 4.000 USD cho phí vận chuyển.
Trên mạng xã hội, nhiều người học theo Skipper với mục tiêu có xe hoặc trả hết học phí đại học. Skipper cũng hy vọng nhiều người đổi đồ theo cách cô đang làm bởi với cô, thế giới ngày nay chỉ xoay quanh tiền nhưng tự thân tiền mặt không có giá trị. Con người cũng mới dùng tiền trong khoảng 5.000 năm trở lại đây. Trước đó, xã hội vận hạnh theo quy tắc trao đổi. Ví dụ, bạn có thể nhờ người sửa mái nhà và đổi lại một bịch khoai tây.
"Bạn có thể nói thứ này đáng từng này tiền. Nhưng khi đổi đồ, bạn sẽ thấy người nhìn ra giá trị khác trong món đồ đó", Skipper nói.
Bấm để xem thêm quá trình đổi đồ của Skipper.
Thu Nguyệt (Theo The Guardian)