Theo Hongxing News, tình trạng này bắt đầu từ ngày 15/10. Trước đó một tháng, Li bị trưởng nhóm khiển trách, dẫn đến cảm giác buồn bã kéo dài. Sức khỏe của cô ngày càng xấu đi, đến mức không thể hạ đầu xuống đệm nếu gia đình không giúp đỡ, người nhà cũng cần nhắc nhở cô đi vệ sinh.
Bác sĩ Jia Dehuan tại Bệnh viện Nhân dân số 8 Trịnh Châu mô tả Li giống như một "người gỗ". Bác sĩ Jia giải thích Li đang trải qua tình trạng đờ đẫn, một triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Bà Jia cũng lưu ý, Li có tính cách hướng nội và khó mở lòng với mọi người xung quanh, điều này góp phần khiến tình trạng của cô trở nên nghiêm trọng hơn. Sau thăm khám, Li đã nhận thức được tình trạng của mình và bày tỏ mong muốn được điều trị để cải thiện. Bệnh nhân được kê thuốc chống trầm cảm và điều trị tâm lý hỗ trợ.
Ca bệnh trên hiện gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc. Một người dùng Douyin bình luận: "Cô ấy đã tự hành hạ bản thân vì hành động của sếp". Một người khác nói thêm: "Nếu công việc quá áp lực, tốt hơn hết là nên nghỉ thay vì chịu đựng trong im lặng".
Một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Trung Quốc về sức khỏe tâm thần cho thấy, có tới 4,8% nhân viên bị trầm cảm tại nơi làm việc. Theo Shangguan News năm ngoái, gần 80% nhân viên cho biết họ cảm thấy bức xúc trong công việc, 60% có cảm giác lo lắng và gần 40% cho biết có các triệu chứng trầm cảm.
Tháng 6, chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho các công ty nhằm nâng cao tỷ lệ việc làm cho thanh niên. Trên các nền tảng mạng xã hội như Douban, nhiều người bày tỏ nỗi khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm lương cao và không muốn nghỉ việc, mặc dù điều kiện, văn hóa doanh nghiệp chưa tốt.
Thục Linh (Theo Hongxing News)