Ba năm trước, Bùi Thị Hương, sinh năm 1995, quê Nghệ An, tốt nghiệp đại học, đi làm với nhiều bỡ ngỡ. Gặp nhiều áp lực, Hương không chịu được nên quyết định nghỉ việc và muốn đi đâu đó để được hòa mình với thiên nhiên, giải tỏa căng thẳng. Một ngày, vô tình thấy bài đăng tuyển thành viên tham gia trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng dài 55 km, cô thấy thú vị nên quyết định đăng ký. Chuyến đi 3 ngày 2 đêm này là cột mốc đưa cô đến với bộ môn trekking khám phá và dần trở thành đam mê như hiện tại.
Hương nhớ lại lần đầu đi trekking, cô không có kinh nghiệm gì, chỉ hỏi người dẫn đoàn cần chuẩn bị thế nào và làm theo y vậy. Trước khi xuất phát một tuần, Hương bắt đầu tập chạy bộ để làm quen với cường độ của chuyến đi. Cô không có đồ chuyên dụng như giày, gậy leo núi, balo trợ lực... "Khi đó mình mang giày thể thao, đựng đồ trong balo đựng máy tính thường dùng", Hương kể lại. Lần đầu thử sức, cô thấy chuyến đi không quá khó khăn, chỉ cần đủ sức bền là có thể hoàn thành trọn vẹn.
Cô gái 26 tuổi nhận xét ở phía Nam không có nhiều cung đường trekking như phía Bắc do điều kiện địa hình. Tuy nhiên với cô, điểm đến nào cũng sẽ có vẻ đẹp riêng. Tới nay cô đã đi được hơn 10 cung phổ biến với dân du lịch mạo hiểm ở phía Nam như đỉnh Chư Yang Sin (2.442 m) tại Đăk Lăk; đỉnh Bidoup (2.287 m) nằm trong vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà ở Lâm Đồng; đỉnh Langbiang (2.167 m) ở Lâm Đồng; núi Bà Đen (986 m) ở Tây Ninh; núi Chứa Chan (837 m) ở Đồng Nai; thác Hang Én ở giữa khu bảo tồn Kon Chư Răng, giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định; hang động núi lửa Chư Bluk ở Đăk Nông; cung đường Tà Năng - Phan Dũng (dài 55 km) qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận; núi Chúa ở Ninh Thuận; núi Tà Giang ở Khánh Hòa; điểm cực Đông - Mũi Đôi ở Khánh Hòa.
Trong các điểm đến trên, cô thích nhất là chuyến đi tự túc 2 ngày 1 đêm đến thác Hang Én, nơi đầu nguồn sông Côn, thuộc địa phận huyện K’bang, Gia Lai. Hương kể thời điểm đó thác Hang Én còn khá hoang sơ và chưa có nhiều người biết đến. Để đến được thác, du khách có thể xuất phát từ hướng Bình Định hoặc Gia Lai. Nhóm cô chọn khởi hành từ Bình Định và về đường Gia Lai để trọn vẹn chuyến đi.
Từ Sài Gòn, Hương cùng bạn đi xe giường nằm ra Bình Định rồi trung chuyển đến thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão để bắt đầu hành trình. Cảnh rừng núi hoang sơ rậm rạp của khu bảo tồn Kon Chư Răng làm cô choáng ngợp, mất tầm 5-6 tiếng thì nhóm đến được đỉnh thác. Từ đây nếu muốn xuống chân thác phải đi thêm 30 phút để vượt qua con dốc khá trơn và đứng, "vừa đi vừa được nghe tiếng thác đổ bên tai rất đã".
"Lúc đó thác Hang Én có nhiều nước, hùng vĩ và rất đẹp, dòng nước lại trong vô cùng. Điều mình sợ nhất không phải là đường đi khó mà là rừng có rất nhiều vắt, chúng rất hay cắn không chịu buông. Cũng nhờ vậy mà đoàn đi nhanh hơn, không dám nghỉ lâu", cô kể.
Theo Hương, điều cô thấy khó khăn khi trekking là thể lực. Một số đoàn yêu cầu người tham gia phải là nam vì sợ các bạn nữ không đủ sức khỏe để đi hết hành trình. Tuy nhiên đó cũng là động lực để cô nâng cao thể lực và rèn luyện tính kiên trì cho bản thân. Ngoài ra, hầu hết các chuyến đi đều đến những nơi hoang sơ, có thể mất sóng điện thoại nên việc liên lạc với gia đình không thuận tiện. Đổi lại, Hương luôn có được cảm giác vui mừng khi chinh phục được điểm đến, trải nghiệm khoảnh khắc bạn bè quây quần bên nhau trò chuyện trong đêm lửa trại, thức dậy ngắm bình minh cùng nhau.
"Trước khi biết đến trekking cuộc sống của mình khá nhàm chán và khép kín, nhưng đi về thì mình đã hòa đồng, vui vẻ và mạnh mẽ hơn rất nhiều", Hương nói thời gian đi trekking với cô không cố định, khi tìm được hành trình phù hợp thì cô sẽ tham gia, tuy nhiên cũng phải tính đến chi phí. Cô thường chọn đi tự túc để tiết kiệm, ngoài ra những chặng đường xa, cần nhiều tiền thì cô sẽ phải cân nhắc. Hương hy vọng có thể sớm ra miền Bắc để chinh phục được nhiều đỉnh núi cao của đất nước.
Hiện Hương là nhân viên văn phòng làm việc tại Đồng Nai, mỗi khi rảnh rỗi, nhớ núi rừng và không có nhiều thời gian đi xa, cô thường đi leo núi Bà Đen hoặc núi Chứa Chan cùng bạn. Những cung đường núi lên đỉnh Bà Đen như đường cột điện, đường chùa, đường ống nước, Ma Thiên Lãnh, Núi Phụng, Đá Trắng... đều đã được cô trải qua.
Huỳnh Nhi