Hà Đặng Như Quỳnh, sinh năm 1996, phụ trách chương trình đào tạo của một trung tâm ngoại ngữ tại TP HCM, đạt 9.0 IELTS trong đợt thi ngày 4/1. Cô từng lá á khoa tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Sư phạm TP HCM, năm 2018.
Cách đây 4 năm, Quỳnh từng thi IELTS, đạt điểm Đọc và Nghe 9.0, Nói 8.5 và Viết 7.5. Lần này, cô giữ vững điểm số phần Đọc, cải thiện phần Nói lên 9.0, còn lại cùng đạt 8.5.
"Mình quyết định thi sau thời gian tập trung vào chương trình, học thuật, không đứng lớp và cũng đã 4 năm kể từ lần thi gần nhất. Mình tò mò khả năng đã tới đâu và hiệu quả phương pháp giảng dạy của mình như thế nào", Quỳnh cho biết.
Cô kể lần thi này không có nhiều thời gian ôn tập do bận chăm sóc hai con nhỏ. Khoảng một tuần trước ngày thi, Quỳnh tập trung tìm hiểu, làm quen hình thức đề và áp lực của kỳ thi. Cô cũng dành 3-4 tiếng mỗi ngày để xem lại các chủ đề kiến thức.
Theo Quỳnh, từ 8.5 lên 9.0 là một khoảng điểm ngắn nhưng không dễ đạt được. Với điểm 8.5, độ hoàn thiện và chính xác trong việc sử dụng ngôn ngữ đã khá cao. Nhiều người thường mắc kẹt ở mức này và không biết mình thiếu sót gì.
"4 năm trước mình quan tâm quá nhiều về mặt ngôn ngữ. Mình nghĩ để đạt điểm cao phải dùng từ vựng cao cấp, khó, ngữ pháp phức tạp, do đó sa đà thể hiện những điều này mà bỏ quên việc thể hiện ý tưởng, suy nghĩ trong bài làm", Quỳnh nhìn nhận.
Cô từng thắc mắc tại sao chỉ đạt 7.5 ở kỹ năng Viết dù từ vựng, ngữ pháp chính xác. Sau này, cô nhận ra những nội dung mình viết quá đại trà, không có ví dụ cụ thể, chưa đi sâu giải thích luận điểm.
Ví dụ khi đề yêu cầu đưa ra những giải pháp cho vấn đề xã hội, Quỳnh trả lời rằng nên nâng cao nhận thức người dân, cải thiện cơ sở vật chất. Theo cô, đây là câu trả lời hời hợt, phổ biến với số đông.
Rút kinh nghiệm, ở phần thi viết lần này, cô đào sâu nội dung theo phương pháp Linearthinking - học theo tư duy. Mỗi luận điểm đưa ra đi kèm với một ví dụ, dẫn chứng giải pháp đó đã có nước nào áp dụng, kết quả ra sao. Ví dụ càng cụ thể, ý tưởng càng có sức nặng.
Đề thi Viết hỏi nguyên nhân người cao tuổi thường xuyên đối diện với nỗi cô đơn, khó vận động. Câu trả lời của Quỳnh là sự thay đổi của giá trị sống, già hóa dân số. Nhiều người trẻ có xu hướng tìm đến những thành phố lớn, như TP HCM, để có công việc với thu nhập tốt, hiếm khi về thăm bố mẹ vì phải dành nhiều thời gian cho công việc.
Quỳnh cũng áp dụng phương pháp Linearthinking ở phần thi Nói để cụ thể hóa ý tưởng. Theo cô, những từ vựng, ngữ pháp mà thí sinh dùng đều gắn với ý tưởng họ đưa ra. Nếu ý tưởng quá trừu tượng thì từ vựng cũng rất chung chung, phổ biến. Nhưng nếu ý tưởng cụ thể, sâu sắc, thí sinh sẽ có cơ hội dùng những từ chuyên ngành, khó, qua đó thể hiện năng lực, vốn từ, cách diễn đạt.
Ngay ở những câu hỏi về thông tin cá nhân, cô cố gắng trả lời sâu hơn thay vì hời hợt cho đủ. Ví dụ, với câu hỏi: bạn có phải là người kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh tốt hay không. Thay vì trả lời có hoặc không, Quỳnh dẫn thêm ví dụ tình huống không kiểm soát tốt cảm xúc hoặc ngược lại và nêu kết quả của việc đó.
"Việc trả lời cụ thể giúp giám khảo quan sát, đánh giá được biểu cảm của bạn. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện kiến thức, từ vựng, cách nói chuyện", cô nói.
Đọc là phần Quỳnh tự tin và thoải mái nhất. Bí quyết của cô là cố gắng đơn giản hóa, chỉ cần nhớ những thông tin cốt lõi của từng câu, để tâm trí không bị rối và bị đánh lạc hướng bởi những thông tin phụ. Sau đó, Quỳnh kết nối ý của các câu để hiểu nội dung chính của đoạn văn bản. Cô hoàn thành ba bài Đọc trong vòng 20 phút và đạt 9.0.
Điều tiếc nuối nhất của Quỳnh trong lần thi này là Nghe, điểm giảm từ 9.0 xuống 8.5. Cô đánh giá mình không tập trung hoàn toàn trong thời gian nghe, một phần do bị ốm đúng ngày thi.
Quỳnh cho biết sự cải thiện điểm số ở bài thi IELTS lần này xuất phát từ việc thay đổi phương pháp học tiếng Anh. Thời phổ thông hay đại học, cô học theo phương pháp tích lũy, chăm chỉ gom góp từ vựng, ngữ pháp, thường xuyên luyện nói. Vì học chuyên ngành tiếng Anh, có nhiều thời gian tiếp xúc, đào sâu nên phương pháp này giúp Quỳnh đạt điểm số 8.5 ở lần thi đầu tiên.
"Cái gì mình cũng học vì có nhiều thời gian. Mình tìm những từ vựng, câu có nghĩa hay, độc lạ rồi lưu lại, học thuộc vì nghĩ không bổ ngang cũng bổ dọc. Nhưng khi đi dạy, mình nhận thấy không phải ai cũng có quỹ thời gian dư giả để cải thiện tiếng Anh theo cách mưa dầm thấm lâu", Quỳnh chia sẻ.
Theo Quỳnh, nhiều người đi làm chỉ dành được 0,5-1 giờ mỗi ngày để học tiếng Anh. Học sinh THPT cũng bận rộn, thời gian cho từng môn học ít. Do đó, cô và các cộng sự suy nghĩ tìm ra phương pháp cải thiện khả năng tiếng Anh mà không phụ thuộc nhiều vào thời gian học tập.
Cô cho rằng cách học ngoại ngữ đúng là học theo tư duy. Để dùng tiếng Anh thành thạo, người học phải có phương pháp tiếp cận phù hợp với tư duy và cách vận hành, ghi nhớ của não bộ.
Lệ Nguyễn