Trong phòng trọ, Tuệ Nga, 23 tuổi, ngồi trước camera điện thoại, gạt vài sợi tóc lòa xòa trước mặt, chuẩn bị quay video đăng lên mạng xã hội. "Chào mọi người, hôm nay mình sẽ review quyển 'Cẩm nang chọn nghề'. Đây là lần đầu mình quay video nên có gì sai sót, mong các bạn thông cảm", cô gái quê Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nói, ánh mắt thi thoảng cụp xuống, vẻ ngại ngùng.
Khi đăng video này lên một nhóm những người thích đọc sách, Tuệ Nga (tên thật là Nguyễn Thị Nga) xác định đây là cách vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị ngoại hình, nhưng không thôi thấp thỏm bởi khuôn mặt có dị tật của mình. Hồi Nga vài tháng tuổi, người nhà "chữa mẹo" cục u máu trong miệng cô nhưng gây biến chứng nặng. Khi vết thương lành lại cũng là lúc môi trên của Nga biến mất.
Sau một ngày đăng tải, "tác phẩm" của Nga bất ngờ nhận được gần 20 nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận. Đa số mọi người khen cô dũng cảm, thấy biết ơn vì được giới thiệu một cuốn sách hay. "Tôi dặn mình, để được mọi người yêu thương và trân trọng thì phải sống có ý nghĩa. Rất vui khi tôi đã mang lại điều ý nghĩa", cô gái 23 tuổi nói.
Trước đây, vì khiếm khuyết trên khuôn mặt, Nga luôn tự ti. Nhưng đến năm hai đại học, cô sinh viên ngành quản trị nhân lực của Đại học Thương mại quyết định "đột phá" bằng cách xin bảo lưu việc học để đi làm vì "thấy thế giới của mình quá nhỏ bé, cần ra ngoài để mở mang".
Ngoài khát khao khám phá, "hành trang" mà Nga mang theo vẫn còn sự ám ảnh về khiếm khuyết của mình. Anh Ngô Quang Khải, giám đốc công ty Nga từng xin việc, nhớ lại: "Trong buổi phỏng vấn, em ấy hỏi tôi 'Mặt em bị như vậy thì anh có nhận không?".
Một lần, đang đi bộ đi trên phố Quan Nhân tắc cứng, Tuệ Nga thấy ai cũng khó chịu, nhưng không ai nhường ai. Cô bước xuống lòng đường, điều khiển giao thông, hướng dẫn di chuyển và giải tỏa các làn xe đang đan vào nhau. Anh Khải vô tình chứng kiến được. "Đây là chuyện tôi nhớ nhất. Tôi cũng tham gia giao thông, cũng bức xúc vì cảnh tắc đường nhưng không làm được như con bé", anh Khải kể. Hôm sau anh khen cô thực tập sinh trước mặt mọi người khiến cô phấn chấn. "Tôi thấy mình có giá trị chứ không vô dụng như vẫn nghĩ", Tuệ Nga nói.
Tham gia tổ chức sự kiện cho công ty, cô gái có vết sẹo ở miệng được gặp gỡ nhiều người, đặc biệt là các doanh nhân. "Tôi thấy họ ăn mặc chỉn chu, nói năng lưu loát trước đám đông thì rất ngưỡng mộ, nghĩ họ với mình ở khoảng cách rất xa nhau. Nhưng khi tiếp xúc, tôi thấy họ cũng gần gũi và là con người bình thường như mình", Nga nói. Nhìn họ, khát khao được chia sẻ những điều ý nghĩa bị chôn giấu, nay bỗng trỗi dậy.
Có được nhiều bài học sống quý giá sau một năm đi làm, Nga trở lại trường học. Lần này, cô xung phong lên thuyết trình trước lớp. Ánh mắt háo hức và tiếng vỗ tay của các bạn khiến Nga càng tự tin hơn. "Tôi vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách tập bước qua giới hạn của bản thân. Tôi từng sợ mình không làm được, nhưng tôi đã làm được", cô nói.
Với những người bạn thân thiết của Nga, đó là một sự "lột xác" đáng kinh ngạc. Mọi người vẫn chưa thể quên hình ảnh một cô gái đeo khẩu trang suốt bốn năm cấp hai, kể cả ngồi trong lớp. Học về "Biến dị", Nga ngồi ở cuối lớp khóc òa, dù không ai đụng đến. Cô hay đánh nhau với con trai trong lớp, như một cách phản kháng khi bị trêu chọc. "Ý định tự tử từng xuất hiện trong đầu tôi", cô tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Loan, 53 tuổi, mẹ cô gái, nhớ lại: "Thời đó, tôi dặn con cứ học giỏi là được, không cần quan tâm đến ngoại hình, nhưng biết nó buồn".
Ít bạn bè, cô gái nhỏ làm bạn với sách. Ba năm cấp ba học xa nhà, mẹ cho 20 nghìn đồng ăn trưa, Nga dành ra 15 nghìn mua sách. Sách giúp Nga vượt qua nỗi cô đơn và là động lực để cô trở thành đứa con gái duy nhất trong số bốn người con của bà Loan học lên đại học. Nhưng sau đó, cô quyết định bỏ ngang ngành quản trị nhân lực. "Nhờ sách, tôi biết mình thích gì, ghét gì", cô gái nói lý do vừa theo học, vừa làm trong lĩnh vực marketing yêu thích.
Tháng 4/2020, do tác động của Covid-19, cô gái bị mất việc. Trong lúc đang buồn bã và bất lực, câu nói của Steve Jobs vụt hiện lên trong đầu cô: "Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, tôi có muốn làm những điều mình sẽ làm không?". Xác định đọc sách là đam mê, giới thiệu sách hay cho mọi người là niềm vui, Nga bắt tay thực hiện. Thay vì viết, cô chọn quay video. "Tôi muốn bước qua nỗi sợ hãi lớn nhất của mình lâu nay là vấn đề hình thức", Nga nói.
Sau lần đầu được đón nhận tích cực, cô gái làm video mỗi tuần để giới thiệu sách hay. Giờ Nga đã nói lưu loát và ánh mắt tự tin hơn khi nói trước màn hình điện thoại.
Thỉnh thoảng, Tuệ Nga nhận được những tin nhắn chờ của người lạ. "Cảm ơn cậu. Tôi cũng có con em gặp chút vấn đề về ngoại hình nên rất tự ti. Thấy nó vậy, tôi tìm các video của cậu đưa cho nó xem", một người chỉ biết Nga qua mạng xã hội nhắn.
Lê Anh, 28 tuổi, ở Cầu Giấy cho biết, anh ngạc nhiên khi nhìn thấy video cô gái có "khuôn mặt lạ" tự tin chia sẻ về sách. "Tuy khuôn mặt không hoàn hảo, nhưng Nga tự tin, cách nói bài bản, mạch lạc. Nhờ có cô ấy, tôi quan tâm đến sách hơn và biết nhiều cuốn hay để đọc", chàng trai làm trong lĩnh vực công trình xây dựng, nói.
Tuệ Nga cho biết, chính những tin nhắn, lời khen ngợi của mọi người trên mạng xã hội đã giúp cô bớt cảm giác e ngại khi cởi khẩu trang. Cô cũng không còn khó chịu khi có ai đó nhìn mình.
Cô gái Vĩnh Phúc đang nung nấu giấc mơ xây dựng một hiệu sách của riêng mình và tiếp tục làm video giới thiệu sách hay đến mọi người. Sau hai ca phẫu thuật cho kết quả không như mong đợi, Nga từng nghĩ sẽ không bao giờ mạo hiểm thêm nữa.
"Nhưng có những giới hạn tôi nghĩ mình nên vượt qua. Tôi đang làm phẫu thuật lần ba. Hy vọng vết sẹo cũng như sự tự ti trong lòng tôi, sẽ sớm mờ đi", Tuệ Nga nói.
Phạm Nga