Ngày 31/7, bác sĩ Nguyễn Đức Thảo, trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, cho biết đây là trường hợp khá hiếm gặp. Bệnh nhân bị đau tức bụng và vùng thắt lưng trong thời gian dài, khi đi vệ sinh thường đau rát, màu đục, tiểu khó, có mùi hôi do dị tật thận niệu quản đôi bên phải, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các bác sĩ bệnh viện Thạch Thất hội chẩn với bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, chỉ định nội soi cắt một thận phụ ở bên phải. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân giảm đau đớn, độ chính xác cao, an toàn.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hai thận còn lại hoạt động tốt.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt thận phụ bên phải cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thận niệu quản đôi là dị tật ở đường tiết niệu trên, tỷ lệ khoảng dưới 1% trường hợp, nữ nhiều hơn nam.
Dị tật thận đôi mang nhiều hình thái, có thể thận niệu quản đôi một bên hoặc hai bên, hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Tùy thuộc hình thái bệnh và mối tương quan giữa thận niệu quản chính - phụ, niệu quản đổ vào bàng quang, bác sĩ chỉ định can thiệp phù hợp.
Ở người bình thường, mỗi bên cơ thể có một quả thận và một ống dẫn nước tiểu (gọi là niệu quản) đi xuống bàng quang. Niệu quản đổ vào mặt sau bàng quang, hai lỗ niệu quản cùng với cổ bàng quang tạo ra vùng tam giác. Tất cả niệu quản nằm ngoài vùng tam giác này được gọi là niệu quản cắm lạc chỗ.
Bệnh không có biểu hiện cho đến khi có triệu chứng đau hông lưng và phần thận trên bị ứ nước nhiễm khuẩn. Trường hợp nặng sẽ rò rỉ nước tiểu liên tục, viêm loét, nhiễm trùng cơ quan sinh dục, nhiễm trùng niệu kéo dài, nhiễm trùng ngược dòng, ứ mủ thận và hỏng thận phụ. Người có niệu quản lạc chỗ cần được khám càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời. Hiện, nội soi cắt thận phụ (phần thận trên mất chức năng) là phương pháp điều trị tốt nhất.
Minh An