Một ngày đầu tháng 12/2016, có một cô gái người Việt lặng lẽ đáp chuyến bay từ TP Saint Paul (bang Minnesota) đến New York tham dự vòng phỏng vấn toàn nước Mỹ, tranh một suất tài trợ của Watson Fellowship. Đây là Quỹ do cha đẻ của tập đoàn IBM, tỷ phú Thomas Watson sáng lập, mỗi năm trao cho 50 cá nhân, mỗi người 30.000 USD để đi vòng quanh thế giới, thực hiện ước mơ của chính mình.
"Nếu bây giờ trượt, em sẽ làm gì?", người phỏng vấn đặt câu hỏi. Nguyễn Thúy Ngân thật thà: "Nếu trượt thì đây vẫn là tiếng lòng của em. Em vẫn sẽ thực hiện kế hoạch của mình. Không đi vòng quanh thế giới thì đi vòng quanh Việt Nam, hay đi vòng quanh quê nhà của mình".
Hôm có kết quả, cô òa khóc như đứa trẻ.
Ngày 1/8/2017, Ngân kéo vali ra sân bay, bắt đầu hành trình. So với những chuyến đi trước, cảm giác lần này khác hẳn. "Tôi hào hứng với hành trình mới nhưng cũng hơi sợ trước những thử thách sắp đến, từ lập kế hoạch hành trình, chỗ ăn ở, tìm việc... Tôi phải tự chủ mọi thứ với tư cách thuyền trưởng trên con thuyền đơn độc của mình", cô gái 25 tuổi hồi tưởng.
Trước khi lên đường, Ngân vạch ra 3 nguyên tắc cho chuyến đi: Luôn đồng ý với mọi thử thách, chăm sóc bản thân và "như một miếng bọt biển" tiếp thu văn hóa, nắm bắt mọi cơ hội học tập.
Đến Anh, cô hào hứng với mô hình "tủ lạnh công cộng" nhằm giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm và cung cấp thực phẩm cho người vô gia cư hay mô hình "thư viện đồ gia dụng" - cho phép những người thiếu có thể mượn món đồ nào đó với phí rất rẻ.
Ở đất nước châu Phi Rwanda, Ngân làm trợ giảng trong một trường đại học để tiếp cận giáo trình đại học rất mạnh về khởi nghiệp của họ. Tại Thái Lan, cô đã tổ chức hội thảo tập hợp doanh nghiệp xã hội trên toàn châu Á, mời Muhammad Yunus, người Bangladesh được giải Noel Hòa bình đến chia sẻ kinh nghiệm...
Trong một năm, Nguyễn Thúy Ngân đã đi qua Anh, Rwanda, Thái Lan, Bangladesh, Nepal, Singapore, Chile, ở với hơn 50 gia đình, kết nối với 300 doanh nhân doanh nghiệp xã hội. Cứ ba tháng, Ngân lại đến một châu lục mới.
"Sau chuyến đi, tôi học được về tự do. Tự do không phải là muốn cái gì thì làm, thích cái gì phải có mà tự do là dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào - ví như ở Anh không được tôn trọng, hay ở Banglades ồn ào - thì mình vẫn có thể tận hưởng được, chấp nhận được và chọn được thái độ sống trong hoàn cảnh đấy", Ngân chia sẻ.
Trước chuyến đi vòng quanh thế giới này, Nguyễn Thúy Ngân từng nhận được tài trợ của hai vị tỷ phú khác. Sang Mỹ du học từ năm 17 tuổi nhờ học bổng toàn phần từ trường Macalester College, bang Minnesota, nhưng cô gái Việt luôn có mong muốn mang cơ hội học tập đến với những người không có cơ hội. Chính vì thế mà mới xa nhà 3 tuần, còn chưa kịp làm quen với đất nước xa lạ, Ngân đã đi gia sư tình nguyện dạy trẻ em da màu.
Du học được 2 tháng, thấy học bổng Projects for Peace của nhà từ thiện Kathryn Wasserman Davis trao cho các dự án cộng đồng của sinh viên, Ngân "liều mình" tham gia. Dự án công nghệ thực hiện tại trung tâm trẻ mồ côi Hy vọng ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc của cô sinh viên trẻ lần lượt vượt qua các ứng viên khác và cuối cùng là chiến thắng dự án của một sinh viên năm cuối, giành được 10.000 USD.
Hè 2014, Ngân về nước triển khai dự án. Trong 6 tuần cô ăn ngủ, sinh hoạt cùng trẻ em ở trung tâm Hy vọng, dạy trẻ các kỹ năng tin học, hùng biện và tiếng Anh, cũng như tổ chức hội thảo định hướng việc làm. Cô truyền lại cho những đứa trẻ mồ côi một bí quyết thành công của chính mình: Công nghệ và tiếng Anh là chìa khóa quan trọng mở cánh cửa tương lai.
Bước sang năm 2, Thúy Ngân trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái nhập cư và tị nạn. Sau vài lần tham gia hoạt động cô phát hiện trong những gia đình nhập cư, cha mẹ và con cái không có kết nối, nhất là trong định hướng giáo dục. Phát hiện này của cô gái Việt đã thuyết phục được Quỹ học bổng quỹ Phillips, do vợ chồng tỷ phú Jay Phillips thành lập, trao 16.000 USD để thử nghiệm những biện pháp khắc phục.
Mùa hè 2015, khu phố ở Saint Paul trở nên sôi động với sự xuất hiện của cô sinh viên Việt Nam. Mỗi tuần, một cuộc thảo luận bàn tròn diễn ra giữa hơn các phụ huynh nói đủ các thứ tiếng như Hmong, Karenni, Liberia, Nigeria và Somali với Thúy Ngân. Ở đó, Ngân giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh về các chủ đề khác nhau, từ nộp đơn vào đại học, hỗ trợ tài chính cho đến tầm quan trọng của các hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, cô sớm nhận ra như thế là chưa đủ, bởi vì thực tế không có tiếng Anh, nguồn gốc nhập cư, rào cản văn hóa của cha mẹ là điều khiến những đứa con tự ti. Ý tưởng quay video, trong đó những đứa con thẳng thắn hỏi cha mẹ về nguồn gốc của họ và quá trình hòa nhập được triển khai. Ngày kết thúc dự án, tất cả quây quần quanh bàn tiệc có các món đặc trưng của nhiều dân tộc, cùng xem những thước phim. Rất nhiều người đã khóc.
Có những đứa trẻ cho biết giờ đây chúng tự hào về nguồn gốc của mình, những người mẹ hiểu và ủng hộ con đường học tập của con hơn. Một bà mẹ bước lại bên Ngân cảm ơn và muốn chương trình tiếp tục để nhiều người nhập cư khác cũng được tham gia. "Năm đó tôi đã hướng dẫn ba em gái viết luận và cả ba em sau đó đều nhận được học bổng đại học", Ngân cho biết.
Sự giúp đỡ của các tỷ phú Mỹ thông qua những học bổng này giúp cô gái Hà Nội được trải nghiệm và có tuổi trẻ không phí hoài một giây phút. Tuy nhiên, Ngân cũng nhận ra các dự án của mình đều "chết non". Như tại Vĩnh Phúc, cô đào tạo được 60 em, để lại 10 bộ máy tính cho trại trẻ cũng như gây dựng được nhóm tình nguyện viên nhiệt huyết, nhưng khi hết tiền thì dự án không thể tiếp tục nữa.
"Làm thế nào để các dự án có thể tự sống tiếp?", Ngân trăn trở. Khi làm thêm tại một tiệm sửa xe đạp, nữ sinh này đã tìm ra lời giải. Nơi đây tái chế những chiếc xe bỏ đi thành những chiếc xe mới. Tiền thu được dành để trả lương cho nhân viên, vốn là những thiếu niên từ 16 tuổi trở lên có hoàn cảnh khó khăn. "Tôi tìm ra một hình thức làm từ thiện khác là doanh nghiệp xã hội - nơi không đặt mục đích phát triển kinh tế đầu tiên, mà đặt phát triển xã hội lên đầu", Thúy Ngân nói.
Ông Randy Treichel, cựu giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ với VnExpress, Jasmine Nguyen (tên tiếng Anh của Ngân) đã làm việc tới Youth Express trong thời gian học tại Macalester College. Cô đã kết hợp chặt chẽ cùng cửa hàng của họ để mở rộng các kế hoạch tiếp thị, dạy các bạn trẻ học nghề và thiết kế ra các công cụ để đo lường thành công dự án.
"Trong 25 năm hoạt động, tôi chưa bao giờ làm việc với bất kỳ ai có tác động sâu sắc như cô ấy trong một khoảng thời gian ngắn đến vậy", Randy Treichel nói.
Sau chuyến đi vòng quanh thế giới, Nguyễn Thúy Ngân quyết định về Việt Nam, trở thành quản lý khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức AngleHack để truyền lại những gì mình thu lượm được cho giới trẻ trong nước. Trong gần 2 năm cô đã tổ chức hơn 20 cuộc thi Hackathon về lập trình. Hồi tháng 6, cuộc thi Hack Co Vy online để tìm giải pháp công nghệ chống Covid-19 đã quy tụ được 300 người chơi từ khắp nơi trên thế giới, chọn được 4 ý tưởng "ươm mầm". Tháng 11 tới, Ngân sẽ triển khai cuộc thi tìm kiếm các giải pháp hồi phục nền kinh tế sau đại dịch.
"Tôi may mắn được nhiều người giúp đỡ trong thanh xuân của mình. Nên từ chính những việc đang làm, tôi muốn cho các bạn trẻ thấy thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào và khuyến khích họ can đảm bước khỏi vùng an toàn, trở thành thuyền trưởng chèo lái cuộc đời mình", Ngân bày tỏ.
Phan Dương