Từ quốc lộ 5 hỏi Nhà dưỡng thiện Nguyên Hương, ai cũng biết. Con đường làng nhỏ đổ bê tông phẳng lặng, dẫn đến một khu vườn rộng cây cối um tùm với nhiều khu nhà lớn, nhỏ xen kẽ - nơi đây là mái ấm của hàng chục mảnh đời bất hạnh, cô đơn không nơi nương tựa.
Nhà dưỡng thiện Nguyên Hương rộng gần 1.000m2, gồm 2 khu cách biệt, một khu dành làm nơi thăm quan, đặt nhà thờ họ, một dành để nuôi dưỡng những trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa. Sáng 23/11, Bình đã được ông Đoàn Văn Đạt, chủ cơ sở bánh đậu xanh Nguyên Hương (Hải Dương), nhận về nuôi dưỡng.
Nguyễn Thị Bình (áo hồng) cùng ân nhân Hà Kim Bình tại Nhà dưỡng thiện Nguyên Hương. Ảnh: Xuân Tùng |
Sáng chủ nhật (24/11), Bình theo một cô làm công đi chợ, chỉ có bà Hà Kim Bình, người giải thoát cho em khỏi vợ chồng Đức - Phương ở đó. Dẫn khách vào căn phòng Bình ở, bà Bình cho biết: "Sợ cháu cô đơn, không quen với cảnh sống ở đây, tôi đã theo về tận nhà dưỡng lão. Nhưng khi xuống đến nơi tôi rất yên tâm khi gửi cháu vào đây, cháu sẽ được đi học, trưởng thành".
Phòng của Bình rộng gần 30m2, nằm tách biệt với khu dành cho trẻ em mồ côi và người già cô đơn, khá sạch sẽ, khang trang, có giường, tủ đựng quần áo, bộ bàn ghế, đặc biệt là chiếc xe máy Wave đỏ và chiếc ti vi Samsung 21 ich mới cứng. Bà Bình khoe: "Ông Đạt chiều cháu lắm, mới về có 2 hôm đã đưa đi chơi ở Hải Phòng, lại còn mua cho cả xe máy và ti vi nữa".
Bình đi chợ về, cầm bó hoa hồng trên tay. Trong bộ vest màu hồng nhạt và gương mặt tươi rói, ít ai nhận ra cô bé rửa bát ngày nào. Theo Bình, em lựa chọn về Nhà dưỡng thiện của ông Đạt vì hy vọng ở đây có nhiều hoàn cảnh giống mình. Nhiều người cùng khổ, sẽ cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Bình bên chiếc xe máy mới. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo Bình, sau khi công an xác định được người thân, chú Thắng, cô Thuỷ con bà Hà Kim Bình, người đã cứu em thoát khỏi vợ chồng Đức - Phương, cũng khuyên em về quê với họ hàng. "Lúc em hoạn nạn không thấy ai, chỉ khi báo chí đưa tin họ mới đi tìm. Em rất giận gia đình và không muốn quay về", Bình cho biết.
Tuy nhiên, về Khu dưỡng thiện, Bình vẫn chưa quen với cuộc sống mới. Hai đêm nay, cô gái từng là tâm điểm dư luận, mất ngủ vì nhớ cảm giác ấm cúng mà mọi người đã dành cho cô khi đang lẩn trốn tại Hoà Bình. "Ở đó em được mọi người đối xử rất tốt. Động đến việc gì cũng có các anh các chị đỡ đần chia sẻ. Gần 10 người thổi cơm ăn chung, cười nói, chuyện trò vui vẻ, em có cảm giác như mình đang có một gia đình thật sự", Bình tâm sự.
Chợt, Bình cười bẽn lẽn: "Dạo này em béo ra 4 cân. Mà em có "người ấy" rồi. Anh ấy chỉ là nông dân thôi, ở Ninh Sơn, Hoà Bình. Chúng em quen nhau trong những lần em trốn ở đó".
Rồi Bình xăng xái chạy đi nhặt rau, cắm cơm phụ giúp cô làm công. Đến bữa, cô cười nói, ăn ngon lành cùng với mọi người. Câu chuyện rôm rả hơn khi cô gái ngoài hai mươi tuổi đỏ mặt bị "truy vấn" tiếp về bạn trai ở Hòa Bình.
"Xa Hà Nội em cảm thấy rất nhớ. Khi về Hà Nội giám định lại thương tật em sẽ xin ở lại nhà bác Bình chơi mấy hôm", Bình nói, mắt ánh lên niềm vui.
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Văn Đạt, chủ khu Nhà dưỡng thiện cho biết, do thương cảm trước số phận của cháu Bình nên ông đã quyết định nhận về nuôi dưỡng tại Nhà dưỡng thiện. Tại đây có nhiều hoàn cảnh tương tự, hy vọng cháu sớm hoà nhập với cuộc sống. Về phía gia đình, ông sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Bình, thuê giáo viên dạy Bình học, dạy làm nghề bánh đậu xanh, chu cấp nhà cửa, xe cộ... mong bù đắp một phần nào mất mát mà cháu đã trải qua. |
Xuân Tùng
Ý kiến bạn đọc:
Người gửi: Đặng Quế Sơn
Tôi thấy cuộc đời cháu Bình vậy là cũng ấm áp sau những ngày bị đầy đọa, đánh đập tàn nhẫn. Đó là một kết thúc có hậu. Nhưng tôi chợt nghĩ còn nhiều em khác nữa đang bất hạnh đâu đó quanh ta cũng bị vùi dập và hành hạ như vậy, nhưng những người lớn vẫn chưa dám đứng ra bênh vực, tố cáo.
Người gửi: Việt Hưng
Tôi thật sự xúc động khi mọi người đã giúp đỡ cho Bình, tôi xin cám ơn vì trong cuộc sống này còn có nhiều tấm lòng nhân ái rộng mở. Cám ơn tất cả vì những điều rất có ý nghĩa để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Sẽ còn nhiều mảnh đời như Bình mà chúng ta chưa biết đến, hãy vì những mảnh đời bất hạnh mà chung sức lên án những kiểu hành xử mất hết nhân tính ấy.
Người gửi: Lê Chân Lý
Tôi thấy việc tiếp nhận em Bình là điều tốt, nhưng mua xe máy là thừa vì em không biết chữ thì sao mà thi được bằng lái, rồi đi ẩu có thể gây tai nạn.Tại sao không dùng tiền đó để thuê giáo viên dạy học, sau đó mới cho học nghề? Xóa mù chữ cho em bây giờ là việc quan trọng nhất.