Nữ bệnh nhân Rochelle Harris (27 tuổi, người Anh) cho biết trở về từ chuyến du lịch ở Pêru hôm 21/7, cô liên tục nghe thấy những âm thanh xào xạc trong tai. Cho đến khi đau đầu như búa bổ và chất dịch chảy ra từ một bên tai, cô quyết định tìm đến bệnh viện.
Ban đầu, bác sĩ cho rằng Rochelle bị một chứng bệnh liên quan đến nhiễm trùng tai. Nhưng sau đó các chuyên gia đã phát hiện ra cả một ổ giòi (ấu trùng của ruồi) làm tổ trong tai cô. Họ đã rót dầu ôliu vào trong để xua đuổi những con giòi khỏi tai bệnh nhân nhưng không được.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy bệnh nhân không bị tổn thương màng nhĩ, mạch máu hay dây thần kinh mặt, nhưng những con giòi đã nhai thủng một lỗ 12mm trong ống tai của cô. "Tôi rất sợ hãi. Thử hỏi nếu những con giòi đó ở trong não tôi rồi thì sao? Điều này cực kỳ nguy hiểm", Harris nói với Reuters.
Các bác sĩ đã làm phẫu thuật và tìm thấy trong tai bệnh nhân 8 con giòi là ấu trùng của một loài ruồi xanh (tên khoa học Cochliomyia hominivorax). Loài côn trùng này thường bu vào các vết thương, ghẻ lở trên người và động vật có vú để đẻ trứng, sau đó trứng nở thành giòi, làm vết thương lở toét ra, mưng mủ... Một con ruồi xanh cái có thể đẻ tới 250 quả trứng và trứng nở trong vòng 24 giờ.
Năm ngoái, một phụ nữ 92 tuổi sống tại một nhà dưỡng lão ở Chicago cũng bị 57 con giòi làm tổ trong tai. Các bác sĩ cho biết bà cụ bị bệnh Alzheimer, mãi 2-3 ngày sau khi phát hiện ra ổ giòi, người nhà mới đưa bà cụ tới bệnh viện điều trị.
Loài ruồi xanh Cochliomyia hominivorax từng được phát hiện ở Mỹ nhưng đã bị hủy diệt hoàn toàn vào năm 1959. Đến nay các nhà khoa học lại tìm thấy vết tích của chúng tồn tại ở các vùng khí hậu nhiệt đới, bao gồm cả các nước phía bắc Nam Mỹ.
Thụy Ân (Theo Reuters)