Phí Minh Trang, sinh năm 1996, người Hà Nội, hiện sống và kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Phú Quốc. Nhìn thành quả của bản thân, Trang nhớ lại quãng thời gian cách đây 3 năm đã bỏ du học thạc sĩ Mỹ và một mình ở Phú Quốc mở homestay.
Trang tốt nghiệp cử nhân ở Anh và trở về nước cuối năm 2017, dự định một năm nghỉ ngơi để tiếp tục sang Mỹ học thạc sĩ. Cô đã hoàn thành hết hồ sơ, chỉ đợi phỏng vấn là lên đường. Tuy nhiên, cô gái trẻ luôn mơ ước mở một homestay riêng, song hành với dự định học thạc sĩ Mỹ.
Như một cái duyên, bố mẹ Trang xây một căn nhà gần biển trong một khu dân cư Phú Quốc để cả nhà thỉnh thoảng vào nghỉ dưỡng. Trang thấy tiềm năng và đề xuất thuê lại chính căn nhà của gia đình để tự kinh doanh. Tới ngày phỏng vấn, Trang "hít một hơi thật dài" và quyết định hủy dự định du học Mỹ, ở lại Việt Nam. "Mình bỏ visa Mỹ để mở homestay vì thâm tâm mách bảo đây là công việc mình yêu thích, nếu không làm thì vài năm nữa sẽ mất cơ hội. Giữa cơ hội mở homestay và cơ hội đi du học, mình chọn mở homestay", Trang tâm sự.
Ở tuổi 23, Trang mạo hiểm khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Vốn cô đi vay mượn tới nay vẫn đang trong quá trình trả dần. "Thuê đất khai thác ở khu Xóm Chài rủi ro rất cao nên không ai dám làm nhưng mình đã tiên phong".
Căn homestay ra đời, đặt tên là Chill House, với chỉ 4 phòng. Nói về tên homestay, Trang muốn du khách có cảm giác thư giãn sảng khoái khi ở cạnh biển, nghe tiếng sóng êm ái ngay tại nhà. Mỗi căn phòng được Trang thiết kế như nhà riêng của dân địa phương với tầm nhìn ra ghe tàu cá Phú Quốc, hòa mình vào cuộc sống của dân chài. Ngay trước cửa là chợ dân sinh mở từ 5h đến 8h, du khách có thể mua hải sản tươi sống gần như ngay tại nhà. "Khá liều lĩnh khi quyết định bắt đầu do homestay nằm trong một xóm chài vẫn còn là đường đất, không tập trung nhiều dịch vụ cho khách du lịch nên rất lo lắng không biết khách có hài lòng không", cô chia sẻ.
Là một du học sinh đã quen với tính tự lập, Trang muốn bản thân phải tự làm mọi việc, từ những điều nhỏ nhất. Thời gian đầu mới mở homestay, cô gái trẻ chỉ ngủ được 4 tiếng vì bản thân phải ôm quá nhiều việc một lúc, tự trực đường dây nóng của homestay 24/24. Đặc biệt, do xây nhà sát biển nên Trang rất sợ , mất ăn mất ngủ mỗi mùa mưa bão. "Mình phải kè chắn cẩn thận nếu không vào mùa mưa bão sẽ nguy hiểm. Ngoài ra xây nhà cạnh biển nên đồ vật sẽ bị khấu hao nhanh hơn".
Sau 6 tháng, khi xây dựng đủ quy mô phòng, Trang mới bắt đầu tuyển nhân viên, huấn luyện cho họ từ chính kinh nghiệm thực chiến của mình. Vì muốn xây dựng Chill House như một homestay địa phương nên tất cả nhân viên đều là người dân địa phương. Mở từ tháng 11/2019, đến nay homestay của Trang đã có 4 khu với tổng 18 phòng căn hộ sát biển. Có nhiều ý kiến tích cực của du khách về homestay của Trang như phòng nhìn ra biển đẹp, cách biển chỉ 1-2 bước chân, giá tiết kiệm, gần chợ địa phương để mua đồ. Song điểm tiêu cực là homestay nằm trong hẻm, không phải mặt đường lớn, theo phong cách mộc mạc nên không phù hợp với khách thích nghỉ dưỡng sang chảnh và khách đoàn.
Từ một homestay nhỏ, Trang phát triển du lịch cộng đồng cho cả khu dân cư. Cô đặt tên là Xóm chài Trần Phú theo tên con đường sát biển gần khu dân cư. Trước đó, không ai gọi khu dân cư này là xóm chài hay làng chài nên khi Trang đặt tên và treo biển, mọi người dân khá hoang mang. "Thực tế cả khu làm nghề chài lưới mấy chục năm nay rồi, rõ là một xóm chài, chỉ là trước nay không ai quan niệm được điều này", Trang giải thích. Ban đầu Trang đặt là "làng", sau dùng từ "xóm" vì Phú Quốc đã lên thành phố.
Cô tự nhận xét ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng, đặt tên cho khu dân cư và cùng phát triển dịch vụ du lịch như cô làm là một mô hình lạ, tạo nên sự đa dạng, đặc sắc trong du lịch Phú Quốc. "Mình nghĩ người dân Xóm chài có thể phát triển thêm mảng du lịch sẽ rất hay. Khi có số lượng homestay đủ lớn, sẽ xuất hiện các dịch vụ ăn uống, tạp hóa đi kèm. Xóm chài sẽ trở thành một tụ điểm du lịch, theo mình là điểm nhấn giữ Phú Quốc đang bị thương mại hóa, các dự án resort mọc lên như nấm". Cô gái trẻ cũng nhấn mạnh, đây cũng là cách để ngăn xóm chài trở thành một dự án resort trong tương lai.
Trang động viên người trong xóm làm du lịch để phát triển văn hóa theo hướng văn minh hơn, thay đổi tư duy cả cộng đồng và muốn không ai bị "phí tài sản", tận dụng được mọi thứ để làm du lịch. "Nhà hàng xóm nếu cần hỗ trợ mở homestay thì mình sẵn sàng hỗ trợ. Mình muốn họ biết rằng tài sản của họ chỉ cần đầu tư thêm chút là có thể tạo được nguồn thu nhập tốt. Ở Xóm chài Trần Phú, do các nhà dân sát biển nên hàng năm cứ tới mùa mưa lại tốn kém chi phí kè cọc. Mình nghĩ nếu có thể thúc đẩy họ phát triển du lịch từ chính những căn nhà này thì sẽ tạo ra giá trị hơn là chỉ ở, vì chỉ ở thì vất vả tốn kém quá", Trang tâm sự.
Nếu không vướng thời điểm giãn cách xã hội, công suất của Chill House hầu như luôn kín phòng. Trong 3 tháng gần nhất, công suất trên 92%. Khi homestay của Trang không còn phòng, cô sẽ giới thiệu khách đến các homestay khác trong xóm. "Đã nhiều lần cả xóm đều kín phòng, lúc ấy không khí xôm hẳn". Các quán cà phê, tạp hóa cũng dần mọc lên để phục vụ cho khách đến đây nghỉ dưỡng.
Nghĩ về việc bỏ du học 3 năm trước, Trang không hề hối hận vì nghĩ "điều xảy ra là điều phải xảy ra", chỉ thi thoảng nghĩ sao bản thân phải vất vả như vậy. Nếu vẫn đi Mỹ, cô hình dung đang tận hưởng cuộc sống ở trời Tây xinh đẹp, làm blog để chia sẻ cuộc sống tại nước ngoài. Mở homestay, trong thời gian đầu, Trang thường cảm thấy cô đơn và tủi thân khi sống xa gia đình và bạn bè, phải làm mọi việc một mình, lại hay lo lắng không biết quyết định có đúng không và có làm được việc không.
"Tuy nhiên, người làm chủ nào cũng phải trải qua những sự cô đơn riêng, dù bên cạnh có nhiều người đi chăng nữa thì vẫn phải một mình đưa ra những quyết định khó khăn". Hiện tại, cô bớt buồn hơn vì có nhân viên, bạn bè và đã quen với cuộc sống ở Phú Quốc, nếu chán lại "xách vali lên đi khắp nơi". Theo Trang, vui buồn là do tự mình xây dựng.
Với thành quả hiện nay, cô gái mong người trẻ có thêm động lực để làm việc mình yêu thích. Để biết mình có làm được hay thực sự yêu thích công việc gì, hãy đừng ngại dấn thân. "Khi còn trẻ thứ ta có là tuổi trẻ, hãy sẵn sàng một tâm thế được thử, sai, sửa và học", Trang giãi bày.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC