Ngày 5/4, bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết đây là trường hợp phá thai nhiều lần nhất bác sĩ từng gặp. Người bệnh không chia sẻ về độ tuổi quan hệ tình dục, thời gian cũng như nguyên nhân những lần phá thai.
Lần này, kết hôn ba năm nhưng chưa có con, cô gái đến viện khám. Kết quả siêu âm cho thấy tử cung của bệnh nhân hư hại, mỏng, dính, viêm nhiễm. Để điều trị, bác sĩ theo dõi niêm mạc tử cung hết dính, đồng thời kê đơn thuốc chữa viêm nhiễm.
"Tuy nhiên, trường hợp này rất khó có con tự nhiên. Cô gái cần theo dõi thêm chức năng buồng trứng, có thể can thiệp thụ tinh nhân tạo (IVF) nếu đủ sức khỏe", ông Thành nói.
Bác sĩ cho biết nạo phá thai là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh. Ở Việt Nam, tỷ lệ vô sinh là 7,7%, tương đương khoảng một triệu cặp đôi, trong đó 50% là vợ chồng dưới 30 tuổi. Hội Kế hoạch hóa gia đình thống kê trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Nạo phá thai dễ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn về sau do sẹo ở tử cung hoặc tử cung bị biến dạng, thậm chí tàn phá hệ thống sinh sản như vòi trứng, cổ tử cung, gây tắc, viêm, dính. Tỷ lệ vô sinh ở nhóm này cao gấp 4 lần so với người không có tiền sử nạo phá thai.
Ngoài ra, quan hệ tình dục sớm để lại nhiều hệ lụy. Nam giới có nguy cơ chấn thương dương vật, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai, HPV, viêm gan B. Nữ giới nguy cơ tổn thương âm đạo, gây chảy máu dữ dội, viêm nhiễm, dẫn đến rối loạn tâm lý, ảnh hưởng học tập và quan hệ với gia đình, xã hội.
Để giảm hệ lụy từ phá thai không an toàn, bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường giáo dục, hướng dẫn học sinh về sức khỏe sinh sản, có lối sống lành mạnh. Nếu chưa sẵn sàng mang thai, cả hai nên sử dụng phương pháp an toàn như bao cao su, đặt vòng, uống, tiêm, đặt que cấy, triệt sản, thắt ống dẫn tinh.
Minh An