Cô phát hiện bệnh viêm cơ cốt hóa khi mới 3 tuổi, được điều trị nhiều năm tại bệnh viện tỉnh Bắc Giang và các bệnh viện ở Hà Nội. Cô được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ tháng 5 trong tình trạng suy kiệt, chỉ số cơ thể (BMI) 8,8, nặng 18 kg, hẹp môn vị do loét, phì đại môn vị.
Bác sĩ Vũ Nguyễn Hà Ngân, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức, ngày 28/6, cho biết cách vào viện một tháng, bệnh nhân đau bụng thượng vị kèm nôn nhiều ra dịch màu xanh đen, gầy sút nhiều từ 33kg xuống 18kg. Ngày 24/5, bệnh nhân đã được phẫu thuật nối tắt dạ dày - hỗng tràng có nội soi hỗ trợ nhằm mục đích khôi phục tiêu hóa tự nhiên.
Bệnh nhân còn bị suy dinh dưỡng, viêm cơ cốt hóa, viêm phổi gây khó khăn cho quá trình hồi phục, liền vết mổ. Phim chụp CT cho thấy hình ảnh dạ dày giãn và máu cục trong dạ dày, hẹp và phì đại môn vị. Ngoài ra, còn có tổn thương cả hai bên lá phổi, thành ngực và bụng bị vôi hóa phù nề.
Ngay sau đó, bệnh nhân được can thiệp chụp và nút động mạch các tạng, sau nút loại bỏ hoàn toàn nhánh tổn thương, bảo tồn các nhánh mạch còn lại.
Do thể trạng suy kiệt nặng, viêm phổi, bệnh nhân được chuyển điều trị tại khoa Hồi sức tích cực 1, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa. Tại đây, các bác sĩ phải hồi sức tích cực cho bệnh nhân, điều trị viêm phổi, nuôi dưỡng, nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng cho bệnh nhân trong suốt một tháng. Nếu không được hồi sức tích cực bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với tình trạng nhiễm trùng nặng, bục vết mổ, shock nhiễm trùng thậm chí tử vong.
Bệnh nhân cải thiện được tình trạng sức khỏe, ăn uống tốt và tăng từ 18 kg lên 22 kg. Bệnh nhân cần tiếp tục điều trị nâng cao thể trạng và tập phục hồi chức năng.