Theo quy định của pháp luật hiện hành, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ, phải thực hiện bên ngoài khu vực cho phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tại khoản 5 Điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an, việc giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp phải đáp ứng các điều kiện sau:
"a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trong đó "khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" quy định tại điểm b, được hiểu là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự.
Việc cho phép người dân quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật, ngăn chặn hành vi tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông. Song để đảm bảo việc này được đúng quy định của pháp luật, người dân cần lưu ý:
- Quay phim, chụp ảnh phải khách quan, trung thực, không được cắt ghép chỉnh sửa. Trường hợp cắt ghép nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cảnh sát giao thông, lợi dụng vào đó kích động, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia chống phá chính quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Quay phim, chụp ảnh phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát giao thông; chỉ thực hiện trong khu vực cho phép, không được quay phim, chụp ảnh trong khu vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông hoặc các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế quay phim, chụp hình...
Trong trường hợp người có hành vi ghi hình tổ công tác 141 hoặc cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ nhưng không đảm bảo các điều kiện nêu trên, lại sử dụng hình ảnh đó để phát trực tiếp lên mạng xã hội với động cơ xấu thì bị coi là hành vi thu thập, sử dụng thông tin, hình ảnh mà không được sự cho phép, đồng ý của cá nhân người đang thi hành công vụ cũng như của tổ chức đang thi hành nhiệm vụ. Tùy từng trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính: Theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020, người có hành vi "thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật" có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng có thể bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Đối với trường hợp hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 318 và Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội