Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo quy định: Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc này bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được hiểu là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Với quy định nói trên, bất kỳ ai khi biết người khác có hành vi vi phạm pháp luật đều có quyền tố cáo người đó ra trước pháp luật.
Đối với trường hợp bạn nêu, nếu thu thập được bằng chứng (ghi âm, ghi hình) thì bạn hoàn toàn có quyền tố cáo người chồng có hành vi bạo lực gia đình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với vợ của anh ta.
Trên thực tế, vì xấu hổ nên nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình không dám trình báo, âm thầm chịu đựng hoặc cũng có những trường hợp hàng xóm láng giềng biết nhưng không tố cáo để ngăn chặn kịp thời, để xảy ra những vụ án đau lòng.
Về hình thức tố cáo, Điều 22, 23 Luật Tố cáo quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Về quyền của người tố cáo, người tố cáo có quyền được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác. Điều này đồng nghĩa, người bị tố cáo không có quyền được biết thông tin cá nhân người tố cáo. Quy định này không những bảo vệ người tố cáo mà còn nhằm bảo vệ những người thân thích như cha, mẹ, vợ, chồng, con của người tố cáo.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội