Theo khoản 12 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Như vậy, khái niệm "tiền điện tử" tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP không bao gồm bitcoin nói riêng, cryptocurrency (tiền mã hóa) nói chung.
Theo khoản 10 và 11 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định nêu trên.
Theo khoản 6 Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, cấm hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, pháp luật Việt Nam chưa coi bitcoin là tài sản; việc phát hành, cung ứng và sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung năm 2021 và năm 2023) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM