Theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, khoản 3 điều này cũng quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Khoản 2 Điều 83 còn quy định, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình (như ông bà nội, ngoại...) không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Với quy định trên có thể thấy pháp luật quy định sau ly hôn thì mỗi bên đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền thăm nom, chăm sóc con của bên kia. Do vậy, về mặt nguyên tắc, người được giao trực tiếp nuôi con mà đưa con ra nước ngoài định cư (sinh sống, học tập lâu dài) là đã xâm phạm đến quyền thăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục con của người không trực tiếp nuôi con.
Do vậy, nếu vợ cũ của bạn vẫn quyết tâm đưa con ra nước ngoài định cư mà bạn cho rằng việc làm đó không tốt cho con bạn, xâm phạm đến quyền thăm con của bạn thì bạn có thể gửi đơn đến tòa án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định khi có yêu cầu của cha, mẹ thì tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Đối với pháp luật nước nhập cảnh:
Khi xin thị thực (visa) cho trẻ em, pháp luật của hầu hết các nước đều đòi hỏi phải có sự đồng ý bằng văn bản của người không trực tiếp nuôi con. Văn bản này phải được công chứng, chứng thực, chứng nhận lãnh sự theo quy định của nước nhập cảnh.
Trường hợp đưa trẻ ra nước ngoài theo diện du lịch mà sau đó xin định cư (làm thẻ xanh) thì cơ quan di trú nước sở tại cũng vẫn đòi hỏi sự đồng ý bằng văn bản của người không trực tiếp nuôi con. Văn bản đồng ý cho đi du lịch trước đó không có giá trị thay thế văn bản đồng ý cho định cư.
Về việc bạn muốn vợ cũ viết cam kết "chỉ đưa con đi du lịch, không đi định cư, nếu không quyền nuôi con sẽ thuộc về bạn" thì bản chất văn bản này không có giá trị ràng buộc và thi hành trên thực tế. Bởi, quyền nuôi con sau ly hôn do tòa án quyết định - dựa trên quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ. Văn bản cam kết chỉ là một trong các tài liệu để tòa án xem xét, quyết định thôi.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội