Luật sư tư vấn
Theo Điều 18 Luật Giao thông đường bộ, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác (không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái). Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Khoản 5 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 định nghĩa, vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại. Vạch dừng xe dùng để xác định vị trí dừng xe để chờ tín hiệu cho phép đi tiếp; để xác định vị trí người điều khiển phương tiện phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ và để xác định vị trí dừng lại trong các điều kiện nhất định ở một số vị trí như: trên nhánh dẫn tới nút giao cùng mức với đường sắt, trên làn chờ rẽ trái trong phạm vi nút giao, trước vị trí vạch người đi bộ qua đường...
Như vậy, khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông phải dừng lại trước vạch dừng xe.
Việc dừng xe ở bóng râm cách xa vạch dừng xe là vi phạm luật giao thông.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì tùy phương tiện vi phạm mà có thể bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (điểm k khoản 1 Điều 8).
Phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông (điểm đ khoản 2 Điều 6).
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự (khoản 1 Điều 5). Trường hợp gây ùn tắc giao thông thì bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 (khoản 4 Điều 5).
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội