Theo điều 31,32 và 33 Văn bản hợp nhất số 27/VBHN-VPQH ngày 16/12/2019 của Văn phòng Quốc Hội hợp nhất Luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, quy định về tạm trú với người nước ngoài như sau:
- Người nước ngoài nhập cảnh không có thẻ thường trú, thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì được cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu với thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực... và được xem xét gia hạn tạm trú theo quy định tại điều 35 của Luật này. Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày.
- Người nước ngoài được tạm trú tại Việt Nam trong thời hạn chứng nhận tạm trú được cấp.
- Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.
- Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
Theo quy định nói trên, bạn trai của bạn cần làm thủ tục đề nghị cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu với thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực và được tạm trú ở nhà riêng của bạn.
Chủ nhà là bạn có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ; đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
Người đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép; trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội